Nữ doanh nhân cao tuổi năng động
Kinh tế - Ngày đăng : 20:14, 18/03/2022
Dù đã cao tuổi nhưng bà Nhung vẫn quản lý và điều hành linh hoạt công ty của mình
Những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi nghỉ hưu, bà Nhung về mở quán nước nhỏ kiếm thêm thu nhập. Quán nước nhỏ đã giúp bà có thêm nhiều mối quan hệ làm ăn mới. Dần dần bà Nhung chuyển sang bán đồ vest nam cho một hãng may nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, các cửa hàng bán quần áo khá ít, lại sẵn có nghề may vá nên cửa hàng của bà Nhung khá nổi tiếng. Thấy cửa hàng to, không ít người tới xin phụ việc, nhưng công việc không có nhiều nên bà Nhung đành phải từ chối. Cũng xuất thân từ vùng quê nghèo, thấy người ở quê ra phố xin việc lại phải thất vọng ra về nên bà luôn mong muốn sẽ mở một xưởng may để tạo việc làm cho mọi người.
Là người năng động nên ngoài việc làm ăn kinh doanh, bà Nhung rất thích tham gia các hoạt động xã hội. Bà đã sớm tham gia vào Hội Nữ doanh nhân của tỉnh. Vào hội, bà Nhung tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo khởi nghiệp ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, bà Nhung đã có cơ duyên được hợp tác với Công ty CP Dệt 10/10 (Hưng Yên) - đơn vị chuyên xuất khẩu màn theo hợp đồng với UNICEF viện trợ cho người dân châu Phi.
Theo yêu cầu, bà Nhung phải xây dựng xưởng may có tối thiểu 50 máy khâu, cơ sở vật chất phải khang trang, lực lượng lao động phải lành nghề. Nghĩ là làm, năm 2006, với số vốn ít ỏi, bà Nhung mạnh dạn vay vốn ngân hàng thành lập Công ty CP Hồng Gia ngay tại TP Hải Dương. Đơn hàng ngày một nhiều, bà Nhung quyết định mở thêm một số xưởng tại các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Kinh Môn... vừa giúp công ty hoàn thành đơn hàng, vừa giúp tận dụng lao động tại chỗ. Mỗi xưởng khoảng 20 máy. Lúc này, công ty của bà Nhung đã có hơn 200 lao động làm việc tại các phân xưởng.
Khoảng năm 2008, để việc quản lý được tập trung, bà Nhung dồn hết các xưởng về trụ sở công ty tại khu công nghiệp Nam Sách. Nhận thấy công ty nhận cả công đoạn may màn hoàn chỉnh và đóng gói mất khá nhiều thời gian và công sức, trong khi nhân lực có hạn nên năm 2010, bà Nhung đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng lắp đặt 3 loại máy gồm: máy văng sấy và định hình, máy nhuộm và lò hơi hiện đại để hiện đại hóa thiết bị của công ty. Từ đó, công ty của bà Nhung tập trung vào làm khâu định hình khổ vải, nhuộm và sấy vải cho Công ty CP Dệt 10/10. Từ khi trang bị thiết bị hiện đại, công ty chỉ cần 50 công nhân phụ trách các công đoạn. Nhờ sự khéo léo chèo lái "con thuyền" của nữ giám đốc cao tuổi, năm 2021, tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Để công nhân gắn bó với doanh nghiệp, bà Nhung luôn coi trọng việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động từ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo đảm môi trường, an toàn lao động đến chăm lo đời sống tinh thần. “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là đánh đổi mồ hôi, công sức của nhiều người. Tôi luôn tâm niệm phải đối xử với công nhân bằng cái tâm của mình. Với tôi, mỗi công nhân đều là một người thân”, bà Nhung chia sẻ.
Ngoài chăm lo đời sống công nhân, doanh nghiệp của bà Nhung luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như ủng hộ người nghèo, ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19...
TÂM PHÚC