Mái trường thiết tha kỷ niệm
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:12, 20/03/2022
Cỏ giao mùa
HUY TRỤ |
Nhà thơ Huy Trụ viết bài thơ "Cỏ giao mùa" gửi dự thi và đoạt giải nhì của Báo Giáo dục và Thời đại, không có giải nhất. Tôi nghĩ đó là một bài lục bát rất hay, hay một cách hoàn chỉnh từ nội dung tư tưởng đến phẩm chất nghệ thuật.
Trước hết, tôi nghĩ "Cỏ giao mùa" là một thi đề rất gợi. Chọn thời điểm giao mùa để phô diễn vẻ biếc xanh, sức sống kỳ diệu của loài thảo mộc này là cả một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Cỏ giao mùa do đó còn là ẩn dụ cho kỷ niệm êm đềm, trong trẻo; là ước mơ và khát vọng thần tiên của tuổi học trò dưới mái trường một thời mơ mộng.
Về nội dung tư tưởng, bài thơ có bốn khổ gồm mười sáu câu thơ đẹp trọn vẹn trong một cấu trúc hợp lý và bài bản, có thể chia thành hai nội dung lớn. Tám câu đầu khẳng định vẻ đẹp của hình ảnh cỏ xanh nơi sân trường xưa cũ và những kỷ niệm buồn vui, thân thương nhắc nhớ về tuổi học trò. Tám câu cuối gợi tả những thăng trầm, dâu bể đã đi qua cuộc đời mỗi người sau một quãng thời gian xa cách, đồng thời khẳng định sự bất tử và huy hoàng của cỏ sân trường - nơi mỗi người vẫn mãi không quên, vẫn luôn hoài vọng hướng về để tắm gội mà trưởng thành, vươn lên trong cuộc sống. Với nội dung tư tưởng bao quát cả một đời người lại được diễn đạt trong một bài thơ lục bát khá nhỏ nhắn thật không dễ gì chuyển tải hết được. Tuy vậy, bằng khả năng nắm bắt nhạy cảm và tài hoa, Huy Trụ đã biết chắt lọc, kiệm lời mà vẫn khái quát được một vấn đề đa dạng, phong phú trong kiếp nhân sinh của hết thảy mỗi người.
Về nghệ thuật, thi phẩm có một kết cấu khá lý thú, một kết cấu vòng kiểu bài thơ Lượm của Tố Hữu hay Đàn ghi-ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo đã thể hiện. Nhờ thế, hình tượng cỏ giao mùa như một điệp khúc có hậu nên vẫn thiêng liêng xanh biếc từ quá khứ mở ra đến chân trời hiện tại, khẳng định một sức sống vĩnh hằng, bất tận. Đó cũng là vẻ đẹp thanh khiết, đong đầy kỷ niệm và mãi mãi biếc xanh trong mỗi hồn người.
Hai câu thơ đầu đầy thi vị với hình tượng cỏ xanh sau bao mưa nắng vui buồn trong cuộc sống. Chân lý đơn giản ấy khiến cho tác giả rưng rưng bằng một nỗi niềm thán phục qua thời gian khi về thăm lại trường xưa: "Sân trường vẫn cỏ ngày xưa/Vẫn là giọt nắng, giọt mưa thuở nào".
Ôi! Hóa ra cỏ dại mà đan thanh, bền bỉ qua thời gian đến thế! Điệp từ "vẫn" khẳng định sự bất chấp đến khắc nghiệt của những dâu bể vô thường. Mưa nắng vẫn đi về trong lòng trời đất, cỏ vẫn xanh tươi mãi đến giờ. Giản dị, bé nhỏ mà vượt thoát đến không ngờ. Từ hiện tại, nhà thơ nhớ về bao kỷ niệm buồn vui của một thuở học trò vụng dại. Bàn ghế nơi phòng học, vết mực tím và màu áo em trong sáng. Nhớ nhất vẫn là bài học mà bản thân mình chưa trả được cho thầy: "Góc nào bị phạt đứng nghiêm/Thầy không vui, bởi tôi quên học bài/Em bưng miệng khúc khích cười/Dỗi hờn, tôi chẳng thèm chơi, em buồn!".
Thơ viết về kỷ niệm tuổi học trò có vô vàn vô lượng, nhưng đạt được sự sống động, cụ thể, giàu trạng thái, tâm lý phải kể đến bốn câu thơ trên của Huy Trụ. Bốn câu thơ lục bát với một loạt động từ thật bình dị đã như một góc quay cận cảnh về một buổi học lắng đọng bao buồn vui thơ dại. Hình ảnh cậu học trò không thuộc bài bị thầy giáo bắt phạt đứng nghiêm hay úp mặt vào tường thật quen thuộc với mỗi chúng ta. Thầy phạt trò mà lòng thầy không vui là một ý thơ hay, dù rằng "tôi quên học bài" trong sự biện giải lý do. Sống động nhất là hình ảnh người con gái cùng lớp "bưng miệng khúc khích cười" mới ấn tượng làm sao! Một cõi xa xưa hay đó là tiếng lòng ngân lên khi nhà thơ trở về trường cũ! Chính cái động thái "coi thường" người khác của em để tôi hờn dỗi không thèm chơi với nữa.
Từ nỗi hoài niệm về một thuở thần tiên tràn đầy trong sáng, Huy Trụ cũng đã lặng người khi nghĩ về những mất mát, đau thương và cả những hy sinh của bè bạn một thời chinh chiến. Đâu chỉ tưởng nhớ đến những gì cỏn con, bé nhỏ gắn với sách vở học trò, giá trị nội dung của bài thơ sâu đằm hơn nhờ sự mở rộng biên độ phản ánh hiện thực khi tác giả khắc họa nỗi đau thương mà bạn bè anh đã hiến dâng cho đất nước. Khổ thơ thứ ba là sự trải nghiệm mà một người phải từng trải lắm mới viết được bằng những câu thơ dồn nén đến ám ảnh: "Bao ngày phượng đỏ mưa tuôn/Ô hay, ai biết nguồn cơn sự đời/Tôi góc bể, em chân trời/Bạn bè khuất lấp một thời đạn bom".
Người đã hy sinh cho Tổ quốc, người còn cũng phải "bon chen giữa thị trường bán mua". Bạn bè ly tán, mỗi người một ngả. Vì thế, đọc Cỏ giao mùa, tôi có cảm tưởng như nhà thơ đã nói hộ với tất cả chúng ta rằng: Hãy biết trân trọng và nâng niu những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò mơ mộng dù vui hay buồn, nếu không chúng ta sẽ khó có cơ hội để yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Hai câu kết lặp lại hình ảnh cỏ sân trường buổi giao mùa ngày trở lại nhưng đã mở ra một ẩn dụ, liên tưởng sáng đẹp về sự vững bền muôn thuở của những gì tốt đẹp mà tuổi thơ mỗi người vẫn còn mãi trong đời: "May mà vẫn có ngày xưa/Sân trường cỏ vẫn giao mùa gọi ta...".
Bài thơ "Cỏ giao mùa" bao quát được hiện thực của một đời người, có buồn vui kỷ niệm thuở học trò vụng dại; có mất mát, đau thương của một kiếp phù sinh trần thế; nhưng vượt lên trên tất cả, những gì tốt đẹp sẽ đọng mãi với thời gian qua hình tượng cỏ giao mùa nơi sân trường xưa cũ. Đó là cội nguồn cho mỗi chúng ta luôn mãi hướng về, để rồi từ đó chắp cánh bay cao, thắp sáng tin yêu vươn đến những chân trời bao la phía trước.
LÊ THÙY YÊN