Mô hình “Cánh đồng không rác thải” ở TP Hải Dương

Môi trường - Ngày đăng : 14:30, 22/03/2022

Mô hình "Cánh đồng không rác thải" được Hội Nông dân TP Hải Dương thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả và đang được các địa phương khác học hỏi, nhân rộng.

Sau khi đầy, các bao chứa rác thải ở cánh đồng thôn Trác Châu, xã An Thượng (TP Hải Dương) được thu gom mang ra bãi rá​​​​c

Song làm thế nào để các mô hình này không rơi vào tình trạng "sớm nở tối tàn" cũng là vấn đề cần quan tâm.

Tháng 7.2021, Hội Nông dân TP Hải Dương chọn các thôn Dương Xuân (xã Quyết Thắng), Đồng Lại (xã Liên Hồng), chi hội 3, thôn Cập Nhất (xã Tiền Tiến), Tranh Đấu (xã Gia Xuyên), Trác Châu (xã An Thượng) và các thôn Ngọc Lặc, Mỹ Xá, Phạm Xá (xã Ngọc Sơn) để thực hiện mô hình "Cánh đồng không rác thải". 

Ông Vũ Đức Long, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Ngọc Lặc, người trực tiếp tham gia thu gom rác thải ngoài cánh đồng cho biết trước đây các loại chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì thuốc trừ sâu, túi nilon… sau khi dùng xong người dân vứt bỏ ngoài bờ ruộng, xuống rãnh thoát nước nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước dùng cho sản xuất cũng như môi trường sống. Sau khi hình thành mô hình "Cánh đồng không rác thải", ông và các thành viên trong tổ đi thu gom các loại rác theo định kỳ rồi cho vào bao và mang ra bãi rác đổ nên rác thải ngoài cánh đồng giảm đáng kể.

Xã An Thượng hiện có hơn 200 ha đất nông nghiệp. Mô hình "Cánh đồng không rác thải" mới được triển khai trên diện tích 60 ha tại thôn Trác Châu. Ngoài đi thu gom rác thải, Tổ tự quản môi trường của Chi hội Nông dân thôn Trác Châu còn treo 20 chiếc bao tải ở đầu các lô ruộng để người dân sau khi phun thuốc trừ sâu có chỗ bỏ rác vào. Đến khi các bao tải này đầy, tổ thu gom rác mang ra bãi rác và treo bao khác thay thế. So với những cánh đồng khác, cánh đồng thôn Trác Châu cũng sạch sẽ hơn.

Chi hội Nông dân thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) thu gom rác ngoài cánh đồng

Theo ông Nguyễn Văn Hướng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Dương, bước đầu hội đánh giá mô hình "Cánh đồng không rác thải" đã đạt được mục tiêu đặt ra. Đó là rác thải cơ bản được thu gom, xử lý đúng nơi quy định, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường có chuyển biến. Tuy nhiên, có nơi, có lúc việc thực hiện còn chậm, số ít rác thải, túi nilon vẫn bị vứt bừa bãi ở một số cánh đồng, chưa thu dọn kịp thời.

Trong quá trình hoạt động, mô hình "Cánh đồng không rác thải" cũng bộc lộ một số khó khăn. Theo ông Vũ Ngọc Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Sơn, khi ra mắt, Hội Nông dân thành phố hỗ trợ mỗi mô hình điểm 2 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ mua ủng, găng tay... Còn hiện nay các thành viên thu gom rác thải đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Tại xã Ngọc Sơn trước đây cũng đã có mô hình thu gom rác thải ngoài cánh đồng nhưng chỉ tồn tại được một thời gian rồi không hoạt động nữa.

Trước những hiệu quả mô hình "Cánh đồng không rác thải" mang lại, năm nay, TP Hải Dương sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố. Hội Nông dân tỉnh đang triển khai nhân rộng toàn tỉnh, trong đó huyện Ninh Giang đã xây dựng được tại mỗi xã, thị trấn 1 mô hình điểm; huyện Tứ Kỳ, thị xã Kinh Môn... đang triển khai. Làm thế nào để mô hình này không rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn” thì cần có những giải pháp cụ thể. Theo ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, các địa phương cần vào cuộc, có sự định hướng, chỉ đạo cụ thể các hoạt động của tổ thu gom rác thải, đồng thời bố trí nguồn kinh phí phù hợp để duy trì hoạt động của các mô hình. Hỗ trợ kinh phí cho những người trực tiếp tham gia thu gom rác. Các cơ sở hội cũng tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động của tổ. Tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, sau khi sử dụng xong sẽ tự thu gom và đưa vào nơi chứa rác thải theo quy định.

THANH HÀ