Những điều cần lưu ý về bệnh trầm cảm hậu Covid-19

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:59, 23/03/2022

Sau khi nhiễm Covid-19, một tỷ lệ cao bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong đó, những triệu chứng của trầm cảm có thể lên đến 50%.

Việc lựa chọn thuốc điều trị bệnh trầm cảm cần xem xét phù hợp với từng người bệnh

1. Trầm cảm sau nhiễm Covid-19 là gì?

Sau khi khỏi Covid-19 ba tháng, những triệu chứng đủ để chẩn đoán trầm cảm ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì được gọi là trầm cảm hậu Covid-19.

Biểu hiện của trầm cảm hậu Covid-19 gồm: cảm giác buồn chán, mất hy vọng, bơ phờ; không thấy được khả năng hồi phục sức khỏe của mình; mất hết hứng thú trong công việc hằng ngày; thu rút các mối quan hệ xã hội; hay quên, kém tập trung, hay bị sao nhãng trong công việc; rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ, ngủ hay mơ, khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc sớm; đau đầu, có những triệu chứng của lo âu đi kèm; cảm giác kiệt sức, suy nhược thần kinh… Khi bạn có 2 trong những biểu hiện trên là bạn có thể mắc trầm cảm.

Nguyên nhân của trầm cảm hậu Covid-19 được cho là do phản ứng miễn dịch của cơ thể với sự nhiễm virus-phản ứng viêm. Khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với hệ thần kinh.

Những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến trầm cảm trong giai đoạn nhiễm Covid-19 như: Sự cách ly về xã hội; cảm giác cô đơn, không tương tác được với người khác, có nhiều vấn đề gặp phải khi nằm viện như rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tâm lý xã hội khác như lo lắng căng thẳng do sự lây lan của dịch bệnh, sự đau khổ do mất người thân, vấn đề về tài chính như thất nghiệp, giảm thu nhập...

2. Khi có biểu hiện trầm cảm hậu Covid-19, nên:

Thiết lập một lịch trình công việc mới cho mình: Có thể bắt đầu làm ở nhà, tạo những thói quen hay những thú vui mới, thay vì những thói quen sinh hoạt cũ. Hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần. Chế độ ăn uống lành mạnh. Ngủ đầy đủ. Duy trì các mối quan hệ xã hội. Áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý.

3. Điều trị 

Trầm cảm là một bệnh có thể điều trị được và việc điều trị thuốc cần phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng người bệnh.

Cần phải đến khám bác sĩ khi có những biểu hiện sau: Thường xuyên cảm thấy buồn chán và trống rỗng; ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, rối loạn ăn uống, ăn nhiều hoặc ăn ít hơn bình thường; có biểu hiện kích động hoặc kích thích; cảm giác mất hết năng lượng, mất hết mọi hứng thú trong cuộc sống, không thể tập trung vào công việc; có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Theo Sức khỏe và Đời sống