Những câu hỏi khó về xăng
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:15, 26/03/2022
1. Không có máy lạnh, người dân thu nhập thấp không thấy có gì trở ngại. Nhưng nếu giá xăng đắt đỏ thêm, bà con phải chi tiêu nhiều hơn cho khoản đi lại, cuộc sống ít nhiều bị ảnh hưởng. Không có xăng, không đi lại, chẳng làm được gì.
Vậy xăng không chỉ là sản phẩm thiết yếu, mà là rất thiết yếu, thế tại sao lúc này vẫn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như máy lạnh, rượu, bia, thuốc lá, ôtô...?
2. Hàng chục triệu người sống ở đô thị phụ thuộc vào xe cá nhân dùng xăng. Xăng tăng giá, bà con không thể tìm nhiên liệu khác thay thế. Xe điện là giải pháp. Nhưng đã lỡ sắm xe chạy xăng, giờ chuyển sang xe điện cần "đầu tư lớn", ít cũng bằng tiền tích cóp vài năm, đâu phải ai cũng làm được. Lúc này bà con cần giá xăng mềm hơn.
Giảm được tiền mua xăng, bà con có chút ít để mua sắm hàng hóa khác. Vậy có thể đưa xăng vào diện giảm thuế VAT còn 8% như nhiều mặt hàng khác được không? Giảm thuế xăng dầu đâu phải mất tất cả? Thu ngân sách có giảm nhưng được bù lại từ nguồn thu bán dầu thô giá cao và giảm bớt khó khăn cho người dân và nền kinh tế.
3. Tại sao cần phải quyết liệt giảm thuế phí để giảm sức nóng của giá xăng dầu?
Giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác tăng. Chúng ta đã có bài học từ Nghị quyết 11/ NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011.
Khi đó, chúng ta chấp nhận hy sinh tăng trưởng nóng để giữ giá cả ổn định, bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân. Kiên trì kiểm soát lạm phát, ổn định sức mua đồng tiền mới thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ tiền ra làm ăn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Nay một lần nữa giá xăng dầu tăng nóng gây áp lực lên mặt bằng giá. Bài học cũ còn đó.
Ông bà ta thường nói đồng tiền đi trước đồng tiền khôn. Có mạnh tay tạm thời giảm thuế xăng dầu mới giảm sức ép lên giá cả, bớt tình trạng tăng giá té nước theo mưa. Không dứt khoát, mặt bằng giá tăng lên sẽ khó lòng hạ nhiệt, khi đó chi phí để ổn định vĩ mô có khi cao hơn nhiều lần so với mạnh tay giảm thuế xăng dầu.
4. Bao giờ giá xăng dầu thế giới trở lại mức chịu đựng được? Cuộc xung đột chưa ngã ngũ. Các lệnh cấm vận liên tục được đưa ra. Nguy cơ giá xăng dầu bất ổn còn đó. Vì vậy cần dự phòng giải pháp khác để giảm bớt cú sốc của giá xăng dầu vào nền kinh tế.
Chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nhưng giả sử, giá xăng dầu thế giới vượt 120 USD/thùng, chúng ta có gì để làm mềm giá xăng dầu?
Cần nhắc lại là để giảm được 50% thuế bảo vệ môi trường, thẩm quyền thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng theo trình tự cũng mất một thời gian mới có quyết định vào ngày 22.3. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thẩm quyền thuộc Quốc hội.
Trong năm Quốc hội họp 2 kỳ, lần gần nhất là tháng 5.2022. Ngay lúc này, phải tính đến giải pháp khác, đó là xác định xăng là mặt hàng thiết yếu, phải đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để kịp trình Quốc hội.
Nếu Chính phủ chưa kịp trình, các ủy ban của Quốc hội cũng cần phối hợp để trình vì xăng dầu liên quan an sinh của dân.
Có thêm chính sách hỗ trợ người dân, ổn định mặt bằng giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô, khi khó khăn đi qua, trở lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng không muộn.
Theo Tuổi trẻ