Tâm lý hậu COVID-19
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 27/03/2022
Có lẽ tâm lý sợ hậu COVID-19 khá phổ biến, đến mức ngay lập tức có vô số dịch vụ và sản phẩm ăn theo, phục vụ cho những đối tượng đó mà nhiều người ví là “ma trận”.
“Ma trận” vì người dân như lạc vào mê cung khi tìm hiểu về dịch vụ khám hậu COVID-19 với vô số khói khám, vô số mức giá, vô số lời tư vấn. “Ma trận” vì dường như dịch vụ này đang bị thả nổi, chưa được chấn chỉnh triệt để, dẫn tới tình trạng người dân mất khá nhiều tiền chỉ vì nỗi hoang mang, nhiều khi là thái quá.
Báo Tin tức từng phản ánh về một dịch vụ kiểu như vậy, được quảng cáo là “phác đồ vi chất cao cấp Hoa Kỳ”. Chưa biết “phác đồ vi chất” này cao cấp tới đâu, tác dụng tới đâu, chỉ biết cái giá không hề rẻ. Một liệu trình là 5 lần, mỗi lần điều trị cách nhau một tuần với chi phí là 15 triệu đã được chiết khấu 20%; còn nếu không chiết khấu thì sẽ được tặng thêm 2 lần điều trị với giá 18 triệu đồng/liệu trình. Nếu gia đình nào cả nhà cùng mắc COVID-19 và có nhu cầu thì số tiền bỏ ra sẽ không hề nhỏ. Có bác sĩ nghe nói về “phác đồ vi chất” thì thấy lạ, chưa nghe bao giờ và đoán có thể chỉ là thuốc bổ và vitamin giá rẻ, chỉ làm giảm mệt mỏi nhất thời.
Từ mạng xã hội, các trung tâm nhỏ lẻ, cho tới cả các bệnh viện, phòng khám lớn đều quảng cáo gói khám hậu COVID-19 với nhiều giá khác nhau, thu hút người có nhu cầu bằng những ưu đãi hoặc các bài viết đánh vào nỗi sợ, thôi thúc người từng mắc COVID-19 đi kiểm tra sức khỏe.
Có lẽ chưa có căn bệnh nào mà người ta lại nói về những triệu chứng sau đó nhiều như COVID-19. Người thì nói sức khỏe giảm sút rõ rệt, người than hụt hơi, khó thở, tức ngực, người lại ho không dứt… Tuy nhiên, các chuyên gia và bác sĩ cho rằng mỗi khi vừa trải qua một lần ốm, cơ thể sẽ mất thời gian để hồi phục, chứ không thể như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trong thực tế, không phải ai mắc COVID-19 cũng sẽ chịu đựng tình trạng hậu COVID-19 và không phải ai cũng cần phải đi khám. Lời khuyên của các chuyên gia luôn là giữ tâm lý bình tĩnh, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý, tập luyện phù hợp để khôi phục sức khỏe.
Theo Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng Chương trình Khẩn cấp tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng hậu COVID-19 thường kéo dài từ hai tháng trở lên và nếu triệu chứng biến mất sau một tuần, vài tuần hoặc một tháng thì họ không coi đó là hậu COVID-19 (COVID-19 kéo dài). Bà khuyến cáo cần đi khám sức khỏe nếu vẫn gặp phải các triệu chứng hậu COVID-19 sau 3 tháng nhiễm bệnh.
Tất nhiên, cẩn thận và lo lắng cho sức khỏe là điều cần làm, nhưng không vì sợ hãi quá mà “mất khôn”, dẫn tới mất tiền không cần thiết. Có thể nói chính nỗi hoang mang, thổi phồng triệu chứng không những không tốt cho tâm lý bản thân mà còn tạo điều kiện để người khác trục lợi trên nỗi lo đó.
Có thể nói trong hơn hai năm qua, suốt từ đầu đại dịch COVID-19 tới giờ, tâm lý lo lắng luôn là con mồi béo bở cho những kẻ trục lợi, đục nước béo cò. Khi mới xuất hiện virus SARS-CoV-2 với vài ba ca lây nhiễm, chính nỗi lo lắng đã khiến nhiều người ngậm đắng, chen lấn và bỏ ra tiền trăm, tiền triệu để mua những hộp khẩu trang, chai sát khuẩn mà bình thường chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Họ đã tự nguyện làm giàu cho những người kinh doanh cơ hội.
Khi các địa phương bùng phát dịch bệnh, có những công ty đã bất chấp pháp luật để trục lợi, điển như vụ công ty Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19. Kết quả điều tra xác định định rằng Tổng giám đốc Việt Á cùng các thuộc cấp đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm để kinh doanh.
Tiếp đó, khi biến thể Omicron tràn vào Việt Nam và làm số ca mắc tăng chóng mặt, các mặt hàng y tế, thực phẩm chức năng liên quan đều bị nâng giá. Nhiều gia đình chi hàng chục triệu để mua các loại thuốc trị bệnh mà nhiều loại trong số đó không có nguồn gốc rõ ràng, được bán tràn lan trên mạng xã hội với cái giá đắt đỏ.
Sau khi cơn bão Omicron đã qua đỉnh và khiến nhiều người mắc bệnh, đến lượt tâm lý sợ hậu COVID-19 đã làm nở rộ dịch vụ khám bệnh cho những “cựu” F0 như đã nói ở trên. Trên mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể bán các bài thuốc chữa hậu COVID-19. Có cầu ắt có cung, thế nhưng cái cầu đó phải xuất phát từ thực tế, chứ không phải là nỗi lo sợ mơ hồ. Nếu các “cựu” F0 đủ bình tĩnh thì sẽ không có đất cho những người kinh doanh trên nỗi sợ của người khác.
Có lẽ trong bối cảnh này, chỉ còn cách trở thành “cựu” F0 thông minh thì mới không bị cuốn vào tâm lý “tự kỷ ám thị”, mới đủ tỉnh táo để cảnh giác trước những lời dọa dẫm và thoát khỏi “thiên la địa võng” thuốc trên mạng, để không bị những người kinh doanh thời cơ lợi dụng.
Theo Báo Tin tức