Cây nhãn sớm, xuất khẩu cho giá trị cao ở Chí Linh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:17, 27/03/2022

Một số hộ ở vùng trồng nhãn TP Chí Linh đã bước đầu thành công với cây nhãn sớm, giá bán cao gấp đôi, thậm chí gấp ba chính vụ.


Ông Nguyễn Văn Viễn ở khu dân cư Tân Tiến (phường Hoàng Tiến) kiểm tra lượng hoa cái của vườn nhãn xuất khẩu

Kỳ công

Vào đầu tháng 2 âm lịch, hầu hết nhãn chính vụ mới phát xong lộc non và bắt đầu hé nụ thì vườn nhãn sớm nhà ông Ngô Văn Bộ ở khu dân cư Hố Dầu (phường Bến Tắm) đã nở hoa vàng rực. Đến sau rằm tháng 2, hơn 400 cây trong tổng số hơn 600 cây đã đậu quả. Nhiều cây quả đã có đường kính 0,5 cm nên có thể cho thu hoạch từ rằm tháng tư, sớm hơn nhãn chính vụ từ 2-3 tháng.

Ông Bộ sinh ra từ vùng nhãn Tiên Lữ (Hưng Yên), đã trồng nhãn lấy quả và làm long nhãn từ năm 2006. Ban đầu ông trồng quảng canh đủ các giống nhãn nên vụ được, vụ mất, giá bán bấp bênh. Vì thế, những năm 2014-2016, ông ra sức tìm kiếm, lai tạo, cấy ghép và trồng thử nhiều loại nhãn để tìm ra giống nhãn sớm phù hợp. Từ năm 2017 đến 2020, ông Bộ đã thay thế được hơn 90% số cây nhãn trong vườn rộng 3,5 ha. Giống được chọn thay thế duy nhất là nhãn lồng cổ truyền Hưng Yên.

"Muốn có vườn nhãn sớm như ý phải chọn được giống phù hợp với chất đất, khí hậu để khi xử lý kỹ thuật sẽ không ép cây. Hơn nữa, giống cây phải cho quả to, tròn, mã màu da bò đẹp, cùi dầy, khô giòn, hạt nhỏ... Đầu tư trồng và chăm sóc nhãn không nhiều tiền, khoảng 30 triệu đồng/ha nhưng công sức thì phải bỏ ra rất nhiều", ông Bộ cho biết.

Ở khu dân cư Tân Tiến (phường Hoàng Tiến), ông Nguyễn Văn Viễn cũng là một người đam mê trồng nhãn. Bắt đầu từ năm 2007, ông trồng nhiều giống nhãn chính vụ từ Hương Chi, Miền Thiết đến Hà Tây tròn, méo... “Tuy thế nhãn chín rộ, thu hoạch gấp gáp, mệt mỏi mà khi bán lại bị ép giá", ông Viễn nhớ lại. Để thay đổi cách sản xuất, ông đã đi khắp các vùng Bắc Giang, Hà Tây, Hưng Yên... tìm kiếm giống nhãn có thể xử lý ra hoa sớm và trồng thử. Sau nhiều lần thất bại, thậm chí bị lừa giống nhãn dởm, đến nay khu vườn gần 2 ha nhà ông chỉ có giống nhãn cổ truyền. "Vụ này, thời tiết thuận nên nhãn ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả hơn 80%. Thuận lợi thì vườn nhà tôi có thể cho thu từ 10-12 tấn quả. Vụ năm ngoái nhãn sớm bán 35.000 đồng/kg, gần gấp 3 giá nhãn chính vụ", ông Viễn cho biết thêm.           


Ông Ngô Văn Bộ ở khu dân cư Hố Dầu (phường Bến Tắm) đang tính toán để chuyển đổi tất cả vườn 3,5 ha sang trồng cây nhãn sớm

Nâng tầm chất lượng, giá trị

Tại vùng nhãn Chí Linh hiện nay mối liên hệ giữa người trồng và các tổ chức, cá nhân thu mua chưa chặt chẽ. Không ít trường hợp doanh nghiệp đặt lượng nhiều nhưng không thu mua hết, lấy cớ do Covid-19 hoặc kêu giá cả cao... Ông Bộ và ông Viễn, cùng nhiều bà con đều mong muốn có vùng sản xuất ổn định. Các ông đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giống với mục tiêu tạo được một vùng nhãn sớm tập trung đủ lớn để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.

 Vùng nhãn Chí Linh vụ này có diện tích khoảng 740 ha, tăng khoảng 3% so với vụ trước, chủ yếu là nhãn chính vụ. Trong đó, vùng nhãn xuất khẩu rộng chừng 60 ha, được thâm canh theo quy trình VietGAP, kỹ thuật GlobalGAP ở các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi. TP Chí Linh phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn người trồng nhãn xây dựng và quản lý chặt chẽ vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

"TP Chí Linh đã xây dựng được 36 mã nhãn xuất khẩu đi EU, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc. Thành phố đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho cây nhãn, tích cực liên hệ với các đầu mối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu", bà Lê Thị Huế, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh nói.

"Vụ này thành phố tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng nhãn xuất khẩu về bao bì, nhãn mác, hoàn thiện quy trình xây dựng sản phẩm OCOP... Lâu dài sẽ thành lập hiệp hội cây ăn quả các cấp, trong đó có quả nhãn", ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Chí Linh cho biết.

Vụ nhãn năm 2021, Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh), đơn vị kiểm định chất lượng nông sản đã được quốc tế công nhận, thông báo kết quả phân tích mẫu nhãn quả được lấy từ vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tại Chí Linh. Theo đó, hơn 800 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở cả vỏ và thịt đều không còn tồn dư hoặc bảo đảm ở ngưỡng cho phép. Các chỉ tiêu được kiểm định theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là điều kiện để nhãn Chí Linh có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Với tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu, thành phố sẽ mở rộng vùng nguyên liệu nhãn bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ phục vụ thị trường khó tính mà còn đáp ứng nhu cầu của các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước. Giá trị kinh tế của loại nông sản này cũng từ đó mà nâng lên. Cây nhãn đang định hình là một cây ăn quả chủ lực của TP Chí Linh.


THÀNH LONG