"Đánh thức" sông Sặt

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 05:30, 28/03/2022

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng và lớp thế hệ trước dày công tôn tạo song hiện tại sông Sặt vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí vì lợi ích riêng mà đang bị bức tử.


Một nhánh sông Sặt ăn sâu vào lòng TP Hải Dương, người dân thường gọi với cái tên sông Bạch Đằng

Không chỉ mang nhiều giá trị lịch sử văn hoá, sông Sặt còn có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế,đô thị của Hải Dương. Thế nhưng theo thời gian, khi mà mọi thứ đều vận động, đi lên thì sông Sặt dường như vẫn im lìm, ngủ quên…

Nhiều giá trị

Sông Sặt là tên gọi dân dã của sông Kim Sơn bởi trước đây, hai bờ sông um tùm cây sặt nên người dân gắn tên sông với loại cây này cho thân thuộc, dễ nhớ. Sông lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan (Hưng Yên) để mang lại sự trù phú, tốt tươi trên hành trình dài hơn 60 km trước khi hoà vào dòng chảy của sông Thái Bình. Đoạn sông qua Hải Dương dài 28 km, đón nước tại cống Tranh ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) và kết thúc tại âu thuyền Cầu Cất thuộc phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). 

Đi qua 4 địa phương của Hải Dương là các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc và TP Hải Dương, nơi nào sông Sặt cũng tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng. Ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc sông đến làng nào thì mang tên làng đó. Những bến sông, bến đò trên sông luôn tấp nập, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Giao thương giữa các vùng cũng thông suốt nhờ tuyến sông này. Nước sông Sặt cũng góp phần làm nên men gốm Cậy vàng son một thời mộc mạc mà tinh tế. Từ đó tạo tiếng tăm để những nghệ nhân làng Cậy khi được giao trọng trách nặn và nung bức phù điêu mô tả quân và dân nhà Trần thắng giặc Nguyên Mông trên núi An Phụ (Kinh Môn), trùng tu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh) và nhiều di tích trong quần thể cố đô Huế. Trong kháng chiến, sông Sặt là thành luỹ, che chắn cho những làng chiến đấu ven sông, là nơi diễn ra nhiều trận đánh du kích ác liệt giữa quân ta và địch.

Riêng với TP Hải Dương thì sông Sặt lại có ý nghĩa lớn lao hơn bởi nó gắn liền với lịch sử khởi lập và phát triển của Thành Đông xưa, cũng như TP Hải Dương ngày nay. Năm 1804, được vua Gia Long chấp thuận, Trấn thủ Hải Dương khi ấy là Trần Công Hiến đã di chuyển trấn sở từ xã Mao Điền (Cẩm Giàng) về vị trí mới ở ngã ba sông Hàm Giang và Kẻ Sặt thuộc địa phận 3 làng Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao. Thành Đông bắt đầu được xây dựng từ đây. Là tự nhiên song cũng là cơ duyên mà sông Sặt chia nhánh khi tới TP Hải Dương. Một nhánh ăn sâu vào lòng thành phố, người dân thường gọi với cái tên sông Bạch Đằng, nhánh còn lại đúng dòng ra sông Thái Bình. Vì thế mà sông Sặt gắn bó chặt chẽ với sự phát triển, mở rộng Thành Đông. Thợ thuyền khắp nơi tìm tới ven sông an cư, lạc nghiệp, mở mang buôn bán để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của quan lại, binh lính Thành Đông. Dần dần hình thành nên trung tâm dân cư gọi là Đông Kiều phố kéo dài từ giáp Đông Mỹ (quảng trường Thống Nhất) đến giáp Tự Tân (phố Tam Giang). Những con phố nghề như Hàng Đồng, Hàng Lọng, Hàng Bạc… cũng tấp nập bên bờ sông Sặt. Không gian đô thị của thành phố cũng xoay quanh trục sông này theo từng thời kỳ lịch sử vì thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phục vụ phát triển kinh tế và yêu cầu chính trị. Thế nên sông Sặt nằm án ngữ phía nam được ví như linh hồn của Thành Đông.

Sông Sặt độc đáo, đặc biệt không chỉ vì có bề dày lịch sử, văn hoá mà còn là kết tinh giữa tự nhiên với bàn tay, khối óc của con người. Là xương sống của đại công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải nên những năm 50 của thế kỷ XX hàng nghìn người đã đổ mồ hôi, công sức để cải tạo, nắn dòng. Thiên tạo và nhân tạo đã làm nên một dòng sông lý tưởng, vừa giúp người dân trị thuỷ, vừa tạo nét chấm phá sinh thái ở những nơi nó chảy qua. Bởi bề ngang sông Sặt chỉ chừng 30-50 m, không quá rộng để cảm thấy xa xôi mà không quá nhỏ để không gian trở nên tù túng, chật hẹp. Dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về con sông này, nhà sử học Tăng Bá Hoành khẳng định, sông Sặt là nền tảng của nhiều giá trị lịch sử, tạo ra nét riêng có trong văn hoá vùng miền. Nó cũng là nhân chứng cho những đổi thay của lịch sử, nhất là đối với Thành Đông-trái tim của cả tỉnh. 


Đoạn thiếu quy hoạch, không gian sông Sặt nhếch nhác, lộn xộn

"Cô gái đẹp chưa được tô son"

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng và lớp thế hệ trước dày công tôn tạo song hiện tại con sông có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí vì lợi ích riêng mà đang bị bức tử, trở nên nhem nhuốc, lộn xộn trong guồng quay đô thị hoá.

Nhận nhiệm vụ quản lý tuyến sông Sặt nhiều năm, ông Trịnh Khắc Sơn, Trạm trưởng Trạm Quản lý đường sông bến Cậy (Công ty CP Quản lý đường thuỷ Hải Dương) nắm rõ tường tận, ngóc ngách về con sông này. Xuôi xuồng từ âu thuyền Cầu Cất về tới cống Tranh mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ cũng không đủ để ông kể hết chuyện về sông Sặt. Ông Sơn kể, gần đây nhiều dự án đô thị sát bờ sông mọc lên, sông Sặt vì thế cũng thay đổi diện mạo song chỉ được đoạn từ âu thuyền Cầu Cất tới cầu Cất là thuận mắt, còn lại vẫn chắp vá, manh mún. Nhiều đoạn thuộc huyện Cẩm Giàng vẫn hoang vu, hẻo lánh. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Sơn về con sông Sặt cứ chốc lát bị gián đoạn bởi chân vịt xuồng mắc phải rác, nhất là túi nilon không quay được. Vừa gỡ nilon vướng vào chân vịt, ông Sơn vừa thở dài: “Con sông đẹp vậy mà thành nơi chứa nước thải, rác thải”.
Ở giữa lòng sông Sặt, hướng lên nhìn mới thấy được một không gian hoàn toàn khác. Đoạn mới quy hoạch thì chưa hoàn thiện, những nơi còn lại bộc lộ nhiều bất cập. Nhà dân quay lưng vào sông trong khi đáng ra sông nên là mặt tiền để bảo đảm kiến trúc đô thị hài hoà. Nhiều hộ lấn dòng, cơi nới xây công trình khiến con sông nham nhở, ảnh hưởng tới cảnh quan. Đoạn kè hai bên sông thuộc TP Hải Dương chỉ bảo đảm chống sạt lở, phục vụ điều tiết nước chứ không hợp với cảnh quan đô thị. Nước sông ngày càng ô nhiễm, có thời điểm đen đặc đáng báo động. Dòng sông không được tôn tạo nên người dân cũng không có ý thức giữ gìn.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hoá, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh vẫn còn nhiều trăn trở cho quy hoạch sông Sặt. Vị trí thuận lợi lại nhiều tầng giá trị nhưng đến nay vẫn chưa có một quy hoạch xứng tầm để khai thác tiềm năng của con sông này. Ông Hoá ví sông Sặt giống như cô gái đẹp song chưa được tô son điểm phấn. Nếu không đầu tư, chăm sóc thì vẻ đẹp ấy sẽ phai mờ dần theo thời gian. Và hiện tại, sông Sặt là cô gái đẹp nhưng thiệt thòi bởi quy hoạch vá víu. Nhiều chỗ đặt vào sự đã rồi, có đoạn cần sửa thì lại chậm chạp, còn cái mới thì lại làm theo kiểu ăn liền. Việc nhìn nhận sông Sặt chỉ là con sông thuần tuý chứ không phải mạch máu đô thị đã khiến cho việc quy hoạch sông Sặt trở nên lộ cộ. Cầu qua sông, kè bờ sông mới chỉ là kiên cố hoá chứ chưa phải cảnh quan hoá. “Tôi luôn khao khát ngày nào đó có tàu du lịch đi trên sông Sặt, du khách được ngắm nhìn rồi thoả mãn với cảnh sắc hai bên bờ sông. Để làm được điều này phải có quy hoạch tổng thể, bài bản”, ông Hoá cho hay.

Hướng đến thành phố bên sông với dòng sông là trục không gian chủ đạo, TP Hải Dương đang quy hoạch hình thành dải cảnh quan hai bên bờ sông, phát triển các khu đô thị sinh thái, dịch vụ giải trí công cộng, đồng thời tạo trục kết nối hai bờ với không gian mở vào trong lõi đô thị cũ và trung tâm mới phía nam sông Sặt. Khu vực sông Sặt sẽ được quy hoạch các đảo đô thị với điểm nhấn là công trình thương mại và sân golf. Quy hoạch sông Sặt trong quy hoạch chung thành phố được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho dòng sông mang nhiều giá trị này. Vì sông là dòng chảy không thể tách rời nên quy hoạch giữa các địa phương phải có sự liên kết để tạo thành một tổng thể hài hoà, tránh quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm. 

Quy hoạch sông Sặt để khai thác lợi thế, phát huy giá trị con sông có bề dày lịch sử, văn hoá này. Song việc thực hiện, triển khai đúng quy hoạch rất gian nan vì không phải chưa có tiền lệ. Đảo Ngọc ven sông Sặt được mong chờ bao năm đến giờ vẫn chưa "hoá ngọc". Do đó phải quyết liệt thì sông Sặt mới có thể chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, xứng tầm là sông đô thị hiện tại và trong tương lai.

 DŨNG CƯỜNG