Khuyến cáo lao động về các chiêu lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:20, 28/03/2022
Lao động EPS nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc)
Để ngăn ngừa tình trạng trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định đi làm việc ở ngoài.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội -LĐTBXH) cho biết, đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu, thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tìm nhiều hình thức, thủ đoạn để lừa đảo người lao động.
Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Các đối tượng này thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…
“Thậm chí, họ có cả trang website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài”, ông Nguyễn Gia Liêm thông tin. Các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa những người lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhìn chung, hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức, cá nhân này vẫn chỉ nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, sự nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước còn hạn chế của người lao động.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) (Luật số 69), có hiệu lực từ 1/1/2022 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn Luật đã được ban hành, trong đó quy định chặt chẽ về các điều kiện yêu cầu đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật và các văn bản hướng dẫn cũng quy định rõ chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường, ngành, nghề và công việc cụ thể.
Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các quy định mới được ban hành trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc tuyên truyền này bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, tổ chức và người dân, cộng đồng để nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, với các quy định chi tiết, rõ ràng về các khoản chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các văn bản pháp luật nói trên sẽ là cơ sở để người lao động và các cơ quan, tổ chức và người dân giám sát việc thu tiền của doanh nghiệp đối với người lao động.
Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, theo ông Nguyễn Gia Liêm, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐTBXH cấp. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép trên trang Thông tin Điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Các nước mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam, cụ thể: Các nước Châu Âu từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021)... |
Theo Báo Tin tức