Tự soi, tự sửa

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:09, 29/03/2022

Muốn tự soi, tự sửa thực sự hiệu quả thì mỗi người cần có tinh thần cầu thị, ham tiến bộ, phải dũng cảm đối diện với mặt trái, hạn chế của chính mình để chiến thắng chính bản thân mình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Hướng dẫn số 78-HD/BTGTU ngày 15.3 về nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện kết luận, quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Theo hướng dẫn này, đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai sâu rộng từ tỉnh tới cơ sở với chủ đề “tự soi, tự sửa”. Thời gian tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong các kỳ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị hằng tháng, trong đó tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2022), kiểm điểm 6 tháng đầu năm và kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm 2022.

Tự soi, tự sửa chính là tự phê bình. Việc chọn chủ đề này rất thiết thực trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc tự phê bình và phê bình là điểm yếu quen thuộc của rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên các đoàn thể. Khi cán bộ cấp trên phê bình cán bộ, nhân viên cấp dưới thì người dưới quyền ấm ức, không thấy rõ hạn chế để sửa chữa. Đồng nghiệp góp ý chân thành cho nhau thì lại cho rằng việc ai người nấy làm, “nước sông không phạm nước giếng”. Cấp dưới góp ý cho cấp trên thì nhiều người không lắng nghe, xem xét, tiếp thu.

Thông thường mọi người ngại nói về khuyết điểm của chính mình bởi suy nghĩ dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng”. Do đó, khuyết điểm không được phát hiện, sửa đổi nên ngày càng tăng nặng, hạn chế càng kéo dài, chậm được giải quyết. Khuyết điểm của mỗi người không được khắc phục sẽ ảnh hưởng tới người khác, tới công việc chung của tổ chức. Bác Hồ từng dạy: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Tự phê bình và phê bình là 1 trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng muốn mạnh thì phải tự phê bình và phê bình thường xuyên. Ngày 25.10.2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được nêu trong Kết luận 21-KL/TW chính là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình.

Muốn tự soi, tự sửa thực sự hiệu quả thì mỗi người cần có tinh thần cầu thị, ham tiến bộ, phải dũng cảm đối diện với mặt trái, hạn chế của chính mình để chiến thắng chính bản thân mình. Việc này nói thì dễ mà làm rất khó. Muốn làm được, ngoài tinh thần cầu thị, còn phải đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong việc này, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cần nêu gương, đi đầu trong tự soi, tự sửa để cấp dưới, quần chúng noi theo. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngày 9.12.2021 thì: “Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ đợi gì cả); căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình”.

Để thúc đẩy tinh thần tự phê bình, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân thì cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên cần tăng cường phê bình đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, đoàn kết, cốt để mỗi người tiến bộ.

NINH TUÂN