Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới Yên Tử
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 08:15, 30/03/2022
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan của 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương cần tiếp tục triển khai tích cực hơn nữa việc xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Sở Văn hóa Thể thao các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu lịch sử văn hóa địa chất địa mạo, tài liệu văn hóa phi vật thể phục vụ hoàn thiện hồ sơ.
Liên quan đến cơ chế điều hành, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Văn hóa Thể thao Quảng Ninh hoàn thiện dự thảo thành lập Ban điều hành hoàn thiện hồ sơ di sản Yên Tử, phân rõ nhiệm vụ để kịp thời xử lý các vấn đề còn vướng mắc.
Kể từ tháng 6.2020, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới Yên Tử, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều phần việc với nỗ lực cao. Đến nay, hồ sơ di sản Yên Tử đã vào giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, cũng là giai đoạn quyết định nhất.
Triển khai biên bản ghi nhớ được ký kết giữa UBND 3 tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương ngày 22.1 vừa qua về việc xây dựng hồ sơ, các nhiệm vụ cụ thể đã được các đơn vị liên quan tích cực thực hiện. Trong đó, Sở Văn hóa Thể thao Quảng Ninh đã lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ là Hội Khảo cổ Việt Nam - Trung tâm Karst và Di sản Địa chất - Viện Bảo tồn Di tích; soạn thảo thư mời các chuyên gia quốc tế tư vấn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ.
Đối với 3 đề tài khoa học nghiên cứu về giá trị văn hóa, lịch sử; hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan; các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Qua khai quật khảo cổ học tại chùa Trại Cấp, Quảng Ninh; chùa Đám Trì, Bắc Giang; chùa Thanh Mai 2, Hải Dương; thám sát chùa Huyền Thiên, Hải Dương, đã phát hiện nền móng kiến trúc thời Trần tại các địa điểm trên. Đã thu thập được cơ bản các nguồn tài liệu phi vật thể gồm 26 đầu sách, 5 kỷ yếu Hội thảo; 81 Tài liệu gồm các loại: sắc phong, thần tích, báo cáo điều tra thống kê, kiểm kê phi vật thể, luận văn, luận án, kế hoạch và kịch bản tổ chức lễ hội. Đồng thời, đã hoàn thành điều tra khảo sát nghiên cứu thực địa về địa chất địa mạo với tổng diện tích vùng nghiên cứu khoảng 11.000km2, diện tích điều tra, khảo sát tổng quan khoảng 1.200km2, bao trùm 4 khu di tích và một số di tích liên quan thuộc phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Lập hệ thống các loại bản đồ, bản vẽ, sơ đồ địa chất, địa mạo, viễn thám, bản đồ phân bố di tích, danh thắng…
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tiếp tục phối hợp khẩn trương triển khai khoanh vùng, tổ chức khai quật khảo cổ tại một số điểm di tích quan trọng để bổ sung cơ sở khoa học, cứ liệu chân xác, phục vụ nghiên cứu; tổ chức các hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu thành phần các nội dung công việc và báo cáo chuyên đề; trước 12.4 phải tổ chức Hội thảo Khoa học với sự tham gia của các học giả trong nước, các chuyên gia nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ với chất lượng tốt nhất.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn nghiên cứu, thực hiện xây dựng hồ sơ đảm bảo tiến độ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước ngày 30.7 và hoàn thành Hồ sơ đề cử trình UNESCO trước 30/9, hoàn thành Hồ sơ chính thức lên UNESCO Paris trước 31.12.
Theo Báo Quảng Ninh