Vietnam Report công bố Top 10 công ty uy tín ngành bất động sản 2022

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 17:52, 30/03/2022

Top 10 Công ty uy tín ngành bất động sản được đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí chính như năng lực tài chính, uy tín truyền thông và kết quả khảo sát các đối tượng liên quan.

Top 10 doanh nghiệp đầu tư và phát triển bất động sản uy tín năm 2022 theo đánh giá của Vietnam Report.

Ngày 30.3, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 công ty uy tín ngành bất động sản năm 2022.

Báo cáo ghi nhận trong hai năm qua đã có nhiều doanh nghiệp ngành này tập trung phát triển và nâng cao uy tín của mình trên thị trường.

Đó chính là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và cũng để đón đầu các cơ hội trong thời kỳ hậu COVID-19.

Danh sách Top 10 chủ đầu tư và phát triển bất động sản uy tín năm 2022 gồm có các đơn vị như: Công ty cổ phần Vinhomes, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land (Hưng Thịnh Corporation) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô.

Song song đó, danh hiệu Công ty bất động sản Công nghiệp uy tín năm 2022 cũng được trao cho các thương hiệu như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công Nghiệp, Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, Tổng Công ty Idico, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình.

Top 10 Công ty uy tín ngành bất động sản được đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí chính như năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông và kết quả khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 2 và 3 năm 2022.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, sau khi thị trường bất động sản rơi xuống đáy vào năm 2012, hoạt động kinh doanh của ngành này ở Việt Nam cũng đang dần lấy lại sự ổn định, có 7 năm liên tiếp tăng trưởng kể từ năm 2013 và đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2019.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành bất động sản đã chịu tác động tiêu cực nhất là trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, tăng trưởng hoạt động kinh doanh bất động sản bị âm, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn trong năm 2021 lên đến 26%.

Tuy nhiên, những khó khăn, tiêu cực mà dịch bệnh tạo ra đã cho thấy khả năng thích ứng tốt và sức sáng tạo, chống chịu bền bỉ của nhiều doanh nhiệp bất động sản đã giữ vững vai trò trụ cột trên thị trường, tạo ra những điểm sáng nổi bật và sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đạt mức tăng trưởng phần trăm doanh thu từ hai đến ba con số. Nhiều khách hàng ghi nhận uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là 1 trong top 3 lý do khách hàng chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong ngành bất động sản; đánh giá uy tín của doanh nghiệp theo góc nhìn của khách hàng có sự thay đổi trong 2 năm qua, và có xu hướng chú trọng hơn vào việc công ty liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, bất động sản xanh cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và quy mô lan rộng của Internet, ngày nay, truyền thông đã trở thành mũi nhọn mới trong chiến lược của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín và hình ảnh hiệu quả.

Dữ liệu mã hóa truyền thông theo phương pháp Media Coding, trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng, Vietnam Report đã đánh giá uy tín của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thông qua sự hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến hết tháng 1.2022.

Gần 52% số doanh nghiệp được nghiên cứu có tần suất xuất hiện trung bình 1 lần/tuần; trong đó, Vinhomes là doanh nghiệp có số lượng Coding unit (đơn vị thông tin được mã hóa) cao nhất.

Xét về độ đa dạng hình ảnh trên truyền thông, 44,05% số doanh nghiệp đạt 10/24 nhóm chủ đề bao phủ, cao nhất là Vinhomes, Vsip với 19/24 nhóm. Top 5 chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là sản phẩm; tài chính/kết quả kinh doanh, hình ảnh/PR/scandal và cổ phiếu.

Thị trường bất động sản năm vừa qua là một bức tranh đa sắc màu với nhiều điểm nhấn, được khắc họa rõ nét qua lăng kính truyền thông. Đầu tiên phải kể đến những đợt sốt đất nền cục bộ trên một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, một số vùng tỉnh Bắc Giang…

Nguyên nhân chính theo nhận định của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report là do dòng tiền nhàn rỗi không thể đổ vào kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19 đã phải tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn mới. Đất nền là một kênh đầu tư như vậy, đặc biệt khi các thông tin về quy hoạch, về xây dựng các khu công nghiệp… được công bố.

Ngoài ra, hiện tượng "thổi giá" để kiếm tiền chênh lệch cũng là điểm đáng chú ý trong các đợt sốt đất này. Mọi diễn biến trên thị trường bất động sản đều là kết quả của những quyết định đầu tư, những ưu tiên của nhà đầu tư.

Ngành bất động sản cũng như nhiều ngành khác chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, các sự kiện đông người như quảng bá, giới thiệu sản phẩm bất động sản đều bị hủy bỏ, trong đó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề.

Thị trường bất động sản có sự hồi phục sau dịch COVID-19

Khi độ bao phủ vắc xin tăng, các hoạt động mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đồng loạt tung sản phẩm ra thị trường, chờ những tín hiệu phục hồi của thị trường, dẫn đến lượng tin về của nhóm chủ đề sản phẩm tăng cao đột biến dịp cuối năm.

Đánh giá về triển vọng của thị trường bất động sản năm 2022, ông Vinh cho hay theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các chuyên gia và doanh nghiệp ngành này đều cho rằng ngành bất động sản có sự phát triển cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh.

Thêm vào đó, thị trường bất động sản thế giới được dự báo có sự phục hồi nhanh, cũng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022 với gam màu tươi sáng, tích cực hơn so với năm 2021, và sẽ dần quay trở lại quỹ đạo trước dịch (năm 2019).

Theo Reportlinker, thị trường bất động sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3386,11 tỷ USD vào năm 2021 lên 3741,06 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,5%. Thị trường dự kiến sẽ đạt 5388,87 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR là 9,6%.

Sự tăng trưởng của ngành bất động sản trong thời gian tới chủ yếu là do các công ty tái cấu trúc lại hoạt động của họ và phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch, cùng với đó là sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế của chính phủ, lãi suất vẫn ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, dòng kiều hối vẫn tiếp tục vận hành về một cách ổn định (trừ nguồn từ Nga và Ukraine) và nhiều nút thắt chính sách được gỡ bỏ.

Trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của chính phủ dù được rót vào khu vực nào, cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực đến thị trường bất động sản, nhờ việc cải thiện sức mua của người dân nói chung thậm chí là bật tăng sau thời gian dài bị kìm nén, cũng như cải thiện kỳ vọng thu nhập trong tương lai của họ giúp cho thị trường bất động sản bán lẻ, khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai có gần 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản không chỉ trong ngắn hạn mà còn là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới.

Theo TTXVN