Những người yêu nhạc Trịnh
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 08:47, 01/04/2022
Người mê nhạc Trịnh tập luyện trước đêm nhạc "Hãy yêu nhau đi" tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
Để thấy lòng bình yên
Trong quán cà phê nhỏ tại phố Phú Thọ (TP Hải Dương), nơi hội tụ rất nhiều "Trịnh khách", chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì một không gian tĩnh lặng đến bất ngờ dù ngoài kia phố xá khá ồn ào. Trên tường quán là những câu nói hay, những đoạn nhạc, những bức ảnh về Trịnh Công Sơn... để gợi nhớ. Ở đây, người mê nhạc còn tìm thấy một điều đặc biệt là có người chơi guitar rất tốt, có thể giúp ta phiêu lãng trong mọi cung bậc cảm xúc khi hát nhạc Trịnh.
Ông Khuất Minh Hiền (ở phường Bình Hàn) là một người yêu nhạc Trịnh đến cháy bỏng. Ấn tượng đầu tiên là ông Hiền có một phong cách rất giống với Trịnh Công Sơn. "Không biết từ bao giờ tôi mê nhạc Trịnh. Nghe và hát những ca khúc ấy, nhiều người không hiểu lại nghĩ rằng nhạc Trịnh buồn, nhưng không phải. Nhạc Trịnh mang đậm tính triết lý nhân văn, có sức hút mạnh mẽ vì luôn an ủi con người. Ngay cả trong nỗi buồn vẫn có hạnh phúc", ông Hiền chia sẻ. Ông Hiền còn là người may mắn được nhìn mặt người nhạc sĩ đa tài ấy lần cuối cùng vào ngày 1.4.2001. Ông nhớ mãi năm đó đang đi công tác tại Sài Gòn thì nghe thấy tin Trịnh Công Sơn mất, sau cuộc họp, ông lập tức đến viếng người nhạc sĩ tài hoa này. Cho đến giờ, ông Hiền như "Trịnh hóa" từ phong cách đến âm nhạc.
Nhiều người không thể nhớ vì đâu mà đến với nhạc Trịnh. Họ chia sẻ từ nhỏ đã nghe nhạc Trịnh, rồi lớn lên, dù trải qua nhiều sự cố trong đời, nghe nhạc Trịnh đều cảm thấy lòng bình yên đến lạ. Yêu nhạc Trịnh đâu cần lý do. Anh Vũ Mạnh, đại diện cho Fanpage "Yêu nhạc Trịnh" ở Hải Dương năm nay đã 50 tuổi, nhưng 30 năm trở lại đây, chưa một ngày anh sống thiếu nhạc Trịnh. Ngay cả lúc làm việc, đi dạo hay trước khi đi ngủ anh cũng đều nghe những ca khúc để đời của Trịnh Công Sơn như một thói quen. Anh hát được nhiều dòng nhạc khác nhưng lên sân khấu, anh chỉ có một nỗi niềm với Trịnh. Với ngôn từ giản dị, đậm chất thơ lúc nào anh Mạnh cũng cảm thấy trong nhạc Trịnh như có câu chuyện của mình vừa trải qua. "Đã có lúc cuộc sống của tôi rơi vào bế tắc, có nhiều lúc buồn nhưng tôi đã sống thong thả hơn khi nghe nhạc Trịnh", anh Mạnh nói.
Anh Bình An, chủ quán cà phê 86 (ở phố Phú Thọ, TP Hải Dương), người yêu mến nhạc Trịnh từ lâu cho biết anh là người gốc Sài Gòn. Anh đã ra Hải Dương 7 năm nay để lập nghiệp. Dù làm nhiều nghề nhưng cuối cùng anh chọn khởi nghiệp với cà phê và nhạc Trịnh. Khách ở đây khác hẳn những quán cà phê khác. Họ đến không bàn công việc, không chuyện trò nhiều mà chủ yếu để nghe nhạc hoặc hát nhạc Trịnh cho nhau nghe.
Điều đặc biệt ở Trịnh Công Sơn là ông từng có nhiều ca khúc phản chiến, bảo vệ quyền con người. Vì thế khi đọc, nghe và nhìn vào Trịnh chúng ta dễ thấy sự đồng cảm, cảm nhận được một tình yêu lớn không chỉ đối với âm nhạc mà còn là tình yêu với quê hương, đất nước.
Lan tỏa yêu thương
Cách đây 2 năm, nhiều người mê nhạc Trịnh ở Hải Dương đã thành lập Fanpage "Yêu nhạc Trịnh", đến nay đã có hơn 200 thành viên. Do dịch bệnh nên họ chỉ trao đổi niềm yêu nhạc qua Facebook hoặc Zalo, ít có điều kiện để gặp gỡ. Anh Vũ Mạnh cho biết vì yêu nhạc nên nhóm đã tìm hiểu những phòng trà chuyên hát nhạc Trịnh ở Hải Dương nhưng không có nên anh lập nhóm Facebook để mọi người có sân chơi, giao lưu với nhau.
Năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, họ đã quyết định tổ chức một đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Hơn 20 người yêu nhạc Trịnh sẽ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc ngày 1.4. Đây không chỉ là đêm nhạc tri ân cố nhạc sĩ mà còn truyền tải thông điệp ý nghĩa đến mọi người, trong khi dịch bệnh, chiến tranh trên thế giới đang diễn ra thì hãy yêu thương nhau. Giữa người với người hãy bỏ qua những toan tính, hận thù và trao cho nhau yêu thương khi còn có thể, đúng như Trịnh Công Sơn từng nói: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời".
Ngôn từ trong ca khúc của Trịnh là nguồn cảm hứng bất tận đối với nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, âm nhạc... mà càng nghiên cứu, tìm tòi càng thấy hấp dẫn, thú vị. Nhà văn Phạm Thị Hoài đã nói: “Thế kỷ vừa rồi hiếm khi cho chúng ta một nghệ sĩ đặc biệt như thế. Ông không phải là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất song hầu như không ai khác từ lúc sinh thời đã để lại một ảnh hưởng rộng rãi như vậy với người làm nhạc và người nghe nhạc Việt Nam. Ông không phải là ca sĩ trứ danh song ông đã được so với Bob Dylan, và mang lại cho danh hiệu kẻ du ca một ý nghĩa hiện đại. Ông không phải là một trong những nhà thơ sáng giá nhất, song cách ông đặt lời bài hát đã thành một trường phái và dựng lên một phong cách ngôn ngữ xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử văn học Việt Nam.
Trịnh Công Sơn (1939-2001) là một trong những nhạc sĩ lớn của Việt Nam. Ông còn được xem là một nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên.Trịnh Công Sơn quê ở xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà (Huế), ông mất tại Sài Gòn. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc). Số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 (cả lời và nhạc). Nhiều ca khúc rất nổi tiếng như: Biển nhớ, Cát bụi, Hạ trắng, Diễm xưa, Nối vòng tay lớn... |
MINH NGUYỆT