Vì sao xăng không thể giảm 2.000 đồng/lít từ giảm thuế bảo vệ môi trường?

Kinh tế - Ngày đăng : 19:30, 01/04/2022

Ngày 1.4 mặc dù được áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường 50% nhưng giá xăng vẫn không thể giảm như kỳ vọng.


Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ đầu tiên áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đã không giảm như kỳ vọng

Đêm 31.3, kỳ điều hành xăng dầu ngày 1.4 đã được liên bộ Công thương - Tài chính công bố, chính thức áp dụng điều chỉnh giá kể từ 0h thay vì 15h như thường lệ, để thực hiện theo nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1.4 đến 31.12.2022.

Tuy nhiên, trái với dự báo về việc giảm giá xăng dầu tương đương với mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu trong nước không những không giảm thấp hơn mà còn tăng mạnh đối với mặt hàng dầu. 

Bộ Công thương cho hay chu kỳ điều hành 10 ngày qua, mặc dù giá xăng dầu có xu hướng tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là tăng.

Điều này dẫn tới bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21.3 và kỳ điều hành ngày 1.4 tăng khoảng 4% với xăng và trên 15% với dầu. Vì vậy, mức giá tăng mạnh của thế giới đã tác động trực tiếp đến cơ cấu tính giá xăng dầu trong nước. Cơ quan điều hành đã phải tính toán cân đối sử dụng và trích lập quỹ bình ổn giá ở mức phù hợp.

Cụ thể, ở kỳ điều hành từ 0h ngày 1.4, sau khi trích lập vào quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít và RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, liên bộ đã chi quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, giá bán được áp dụng giảm trên 1.000 đồng với xăng và tăng tới 1.500 đồng với dầu.

Tại điều hành lần này, theo nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường đã được cho phép giảm từ 700-2.000 đồng/lít/kg. Trong đó xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít, xăng RON95 giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel và dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít/kg, dầu hỏa giảm 700 đồng/lít.

Cơ quan điều hành tính toán, nếu trong chu kỳ này không giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5RON92 sẽ tăng là 1.069 đồng/lít và giá bán sẽ là 29.399 đồng/lít; xăng RON95 sẽ tăng 1.161 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.353 đồng/lít. Tương tự với dầu diesel, giá sẽ tăng mạnh hơn là 2.547 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.180 đồng/lít.

Với mặt hàng dầu hỏa, nếu không chi sử dụng quỹ bình ổn giá ở mức 500 đồng/lít, giá tăng là 2.019 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.264 đồng/lít; còn nếu không giảm thuế bảo vệ môi trường thì giá sẽ tăng là 2.789 đồng/lít, và giá bán là 24.534 đồng/lít. Với mặt hàng dầu mazut, giá sẽ tăng là 1.606 đồng/kg và giá bán sẽ là 22.029 đồng/kg.

Đây cũng là lý do chính khiến cho giá xăng dầu trong nước, dù đã được áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 50% so với hiện hành, nhưng vẫn chỉ có mức giảm thấp hơn, thậm chí tăng mạnh với mặt hàng dầu.

Như vậy, nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069-2.789 đồng/lít/kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/kg).

Ngày 1-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho hay trong chu kỳ điều hành vừa qua, giá xăng dầu tăng đáng kể, nên nếu không được giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu sẽ tăng rất mạnh theo đà tăng của giá thế giới. 

Thời gian qua, khi giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, quỹ bình ổn giá đã liên tục chi ra nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị âm quỹ bình ổn. Do đó, để tạo dư địa cho quỹ hoạt động trong thời gian tới, có thể can thiệp giảm bớt đà tăng giá khi giá thế giới tăng, nên nhà điều hành buộc phải trích lập vào, càng khiến cho giá xăng dầu không thể giảm thêm như kỳ vọng giảm thuế trước đó.  

Bộ Công thương nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, quỹ bình ổn giá của Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Tuổi trẻ