Nhớ mãi người Anh Cả liêm khiết

Chính trị - Ngày đăng : 05:37, 02/04/2022

Năm tháng trôi qua, những ký ức tốt đẹp, niềm tự hào về người cộng sản tiêu biểu Nguyễn Lương Bằng vẫn còn mãi theo thời gian với từng cán bộ, đảng viên và người dân thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện).


Ông Nguyễn Đức Phẩm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng bồi hồi xem lại bức ảnh chụp cùng đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Những ngày này, tại khu tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) thường xuyên có người đến thắp hương tưởng niệm nhân 118 năm ngày sinh của ông (2.4.1904-2.4.2022). Nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Quảng, người dân thôn Đông được tin tưởng giao nhiệm vụ chăm nom nhà tưởng niệm. Trong gian nhà đón tiếp khách, ông Quảng hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng tiêu biểu của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Với cách gọi vừa gần gũi, vừa kính trọng, ông Quảng kể hồi 13-14 tuổi đã may mắn được gặp "bác Bằng" khi bác về thăm quê. Sau này, những ký ức quý giá ấy cùng với những câu chuyện người đi trước kể lại, những tư liệu lịch sử hằng ngày ông trực tiếp giữ gìn, bảo vệ, càng vun đắp trong ông niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương Thanh Tùng.

"Tôi rất khâm phục bác Bằng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trước đây, bố tôi là Phó Chủ nhiệm HTX ở xã. Khi còn sống, dù làm lãnh đạo Nhà nước nhưng món quà vật chất quý nhất mà bác Bằng tặng cho địa phương chỉ là một chiếc đài phát thanh cho Ủy ban Hành chính xã và một chiếc ống nghe tim phổi cho Trạm xá xã", ông Quảng bồi hồi nhớ lại.

Những tư liệu lịch sử về đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bài trí ngăn nắp và theo những chủ đề khác nhau ở gian nhà tưởng niệm. Ở khu vực chủ đề "Đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng với quê hương", chúng tôi thấy tấm ảnh quý đồng chí chụp với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Tùng ngày 12.6.1977. Tìm hiểu thông tin trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Tùng thì hầu hết những người chụp ảnh với cố Phó Chủ tịch nước đã không còn hoặc sức khỏe yếu, chỉ có ông Nguyễn Đức Phẩm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phẩm vẫn nhớ rõ những người trong bức ảnh và cơ duyên được chụp ảnh với Phó Chủ tịch nước. Ông cho biết ông là người ít tuổi nhất trong bức ảnh và khi đấy ông là Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã. "Hôm ấy chúng tôi lên huyện từ sớm để đón đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước và dự buổi làm việc của đồng chí với lãnh đạo huyện. Theo chương trình thì đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ có buổi làm việc riêng với Đảng ủy xã nhưng do điều kiện thời gian nên đồng chí tranh thủ dặn dò và chụp bức ảnh làm kỷ niệm", ông Phẩm nhớ lại.


Bức ảnh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng chụp với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Tùng ngày 12.6.1977 (ảnh tư liệu)

Theo ông Phẩm, lần làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Miện ngày 12.6.1977 và những lần về quê, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đều chỉ đạo, dặn dò lãnh đạo huyện, xã phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, giữ vững mối quan hệ khăng khít với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng để đẩy mạnh các phong trào phát triển ở địa phương. "Sinh thời, đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng luôn gần gũi, thân tình với cán bộ, đảng viên, nhân dân quê nhà. Còn liên quan đến công việc thì đồng chí rất chính trực, cương quyết. Khoảng những năm 1975-1976, tôi và một đồng chí lãnh đạo xã có 2 lần lên Hà Nội xin gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng để ngỏ ý nhờ đồng chí có ý kiến cho xã giữ lại Trạm biến thế phục vụ sản xuất vì tỉnh có chủ trương di chuyển. Thế nhưng cả 2 lần chúng tôi đều không gặp được và đồng chí cho người nhắn chúng tôi cứ về đề nghị tỉnh theo đúng quy định", ông Phẩm nhớ lại.

 Những người chúng tôi gặp ở thôn Đông, từ cán bộ, đảng viên đến người dân địa phương như ông Nguyễn Văn Tiến làm nghề cắt tóc ven đường ngay phía cổng khu nhà tưởng niệm đều chung một tình cảm đặc biệt, niềm tự hào về người cộng sản mẫu mực, người con ưu tú của quê hương. Ngôi "Sao Đỏ" (thường được gọi thân mật là Anh Cả) đã đi xa gần 43 năm nhưng tiếng thơm về tấm gương hết lòng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn còn mãi. Tình cảm với những tiếng gọi bác Bằng, cụ Bằng cùng niềm tôn kính, tự hào của người dân xã Thanh Tùng mãi không phai nhạt.

HOÀNG BIÊN