Ba Lan tuyên bố sẵn sàng để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này
Tin tức - Ngày đăng : 17:28, 03/04/2022
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc gia Ba Lan, ông Jaroslaw Kaczynski tuyên bố quốc gia Đông Âu này để ngỏ khả năng để Mỹ triển khai các vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Ông Jaroslaw Kaczynski đồng thời nói rằng Ba Lan kêu gọi Mỹ tăng số lượng binh sĩ đồn đóng ở châu Âu.
Phó Thủ tướng Ba Lan Kaczynski đưa ra phát biểu trên khi trả lời phòng vấn kênh tin tức Welt am Sonntag của Đức.
Theo báo The Independent, hiện nay quân đội Mỹ có bố trí khoảng 150 quả bom hạt nhân B-61 tại 5 quốc gia đồng minh châu Âu gồm Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ các nước châu Âu này chưa từng chính thức tuyên bố sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Về phương diện cá nhân, mới có các cựu Tổng thống Italy và cựu Thủ tướng Hà Lan phát biểu về vấn đề này.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong thời bình, các vũ khí hạt nhân được cất giữ tại những nước thành viên phi hạt nhân do các lực lượng Mỹ bảo vệ. Khi chiến tranh nổ ra, một hệ thống mã kép sẽ được kích hoạt. Cả nước chủ nhà và Mỹ sau đó cần phải thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ khí do máy bay của Mỹ thực hiện vụ phóng.
Trước đó, ngày 8.3, các hãng tin TASS và Sputnik đưa tin người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ cho biết Washington đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot tới Ba Lan.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng và theo đề nghị của Ba Lan, Tướng Tod Wolters, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã chỉ đạo cho quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi tái triển khai 2 khẩu đội Patriot tới Ba Lan. Phía Mỹ cho rằng quyết định này sẽ cho phép chống lại mọi mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào Mỹ, các lực lượng đồng minh và lãnh thổ của các nước thành viên NATO.
Đây là một bước đi thận trọng nhằm bảo vệ lực lượng cũng như củng cố cam kết của Mỹ đối với Điều 5 của NATO và sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào. Điều 5 của NATO quy định về phản ứng tập thể trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều nước thành viên NATO.
Mặc dù vậy, Mỹ đã bác đề nghị của Ba Lan về việc chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo đến một căn cứ của Mỹ ở Đức để tăng cường lực lượng không quân của Ukraine. Lầu Năm Góc nhấn mạnh việc cử máy bay chiến đấu từ lãnh thổ các nước thành viên NATO đến khu vực xung đột ở Ukraine sẽ làm gia tăng quan ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh quân sự này. NATO từng tuyên bố không muốn xung đột trực tiếp với Nga.
Ngày 25.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thành phố Rzeszow ở Đông Nam Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 80 km. Ba Lan là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nước này cũng đã tiếp nhận hơn 2 triệu người sơ tán từ Ukraine, hỗ trợ tài chính và vũ khí cho quốc gia láng giềng. Trước đó, cũng trong ngày 25/3, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết hiện có khoảng 10.500 binh lính Mỹ đang đóng quân ở Ba Lan.
Theo Báo Tin tức