Cái lợi của... giá phân bón tăng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 04/04/2022

Để ứng phó với những biến động của thị trường phân bón, nhiều nông dân chuyển từ sử dụng phân bón hóa học sang phân chuồng, phân bón hữu cơ.


Nông dân xã Phạm Kha (Thanh Miện) tận dụng nguồn phân chuồng để làm phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ

Bước vào vụ sản xuất mới khi giá vật tư, phân bón liên tục tăng, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để ứng phó với những biến động của thị trường, nhiều hộ đã tận dụng nguồn phân hữu cơ có sẵn, giảm lượng phân hóa học, cùng với canh tác hợp lý, khoa học để giảm chi phí sản xuất. 

Sử dụng kết hợp phân hữu cơ

Theo tính toán của nhiều nông dân, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật chiếm từ 30 - 40%, thậm chí cao hơn nếu có dịch bệnh trên cây trồng bùng phát. Để ứng phó với giá vật tư, phân bón tăng, nhiều nông dân đã chuyển sang sử dụng phân chuồng kết hợp các loại phân vô cơ để giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng. 

Trên cánh đồng rau màu ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện), những bao phân gà được nông dân mua về và ủ mục ngay tại đầu ruộng để làm phân bón cho cây trồng. Để chuẩn bị nguồn phân bón cho 6 sào trồng rau trong vụ này, ông Vũ Viết Lê ở thôn Đỗ Hạ đã mua phân gà ủ cùng với tro, trấu để sử dụng dần. Như vậy, chỉ với hơn 8 triệu đồng, sau khoảng 4 tháng, ông đã có nguồn phân bón hữu cơ để sử dụng cho cây trồng trong 1 năm. "Trước đây, mỗi sào rau tôi chỉ bỏ ra hơn 300.000 đồng cho 1 lượt tưới nhưng với giá phân bón như hiện nay thì chi phí tăng gấp đôi so với trước. Từ khi bón phân chuồng kết hợp các loại phân vô cơ thì chi phí sản xuất giảm khoảng 1/3 so với trước. Việc tăng lượng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, rau màu phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn trước nên tôi chưa phải phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào", ông Lê cho hay.

Có gần 1 ha trồng rau màu và cấy lúa nên ông Nguyễn Đình Tiến ở thôn Nhân Lý, xã Chí Minh (Tứ Kỳ) đã mua gần 10 tấn phân gà ở một trang trại chăn nuôi về để ủ làm nguồn phân bón hữu cơ cho lúa và rau màu. Việc sử dụng phân chuồng ủ mục, giảm lượng phân bón hóa học đã giúp đất màu mỡ, giảm sâu bệnh đồng nghĩa việc giảm từ 1 - 2 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Ông Tiến cho biết: “Sử dụng phân chuồng tốt cho cây trồng. Dù vậy, việc tìm mua phân chuồng với số lượng lớn cũng khó khăn do các trang trại không cung ứng đủ. Để hiệu quả, chúng tôi phải sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ với các loại phân bón khác. Đặc biệt, giảm lượng phân bón hóa học, cùng với canh tác hợp lý giúp môi trường đất được cải thiện. Từ đầu vụ, mặc dù xuất hiện sâu bệnh nhưng số lượng ít nên tôi không phải phun thuốc bảo vệ thực vật”.

Sản xuất theo hướng an toàn

Xã Phạm Kha có 162 ha chuyên canh rau màu. Phần lớn diện tích được sản xuất theo hướng an toàn. Ông Lê Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha cho biết: “Nông dân trong xã đang dần hướng tới việc sản xuất theo hướng hữu cơ. Lượng phân bón hóa học giảm rõ rệt, thay vào đó người dân tăng cường tận dụng nguồn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp. Mặc dù chỉ chuyên canh rau màu nhưng việc canh tác được luân phiên giữa các nhóm cây trồng nên giảm sâu bệnh. Lượng thuốc trừ sâu cũng giảm nhiều, có những đợt nông dân chỉ phun duy nhất 1 đợt thay vì 2 - 3 đợt như trước. Các loại thuốc được sử dụng cũng là thuốc sinh học để an toàn cho người tiêu dùng”. 

Trong bối cảnh hiện nay, giá vật tư, phân bón tăng đã tác động tiêu cực tới sản xuất. Tuy nhiên, khi nhìn ở khía cạnh khác thì những biến động của thị trường đã góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu của nông dân. Thay vì sử dụng liên tục các loại phân bón hóa học khiến đất bị bạc màu thì một số nông dân đã kết hợp với nguồn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ. 

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguồn phân hữu cơ là thành phần dinh dưỡng quan trọng của đất. Tuy nhiên, do việc hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguồn phân này giảm hẳn. Thay vào đó, nhiều nông dân lạm dụng nguồn phân bón hóa học vì tính nhanh chóng và tiện lợi. Việc sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài dẫn tới đất bị bạc màu làm cây trồng kém phát triển. Để nâng cao chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất, ngoài sử dụng tiết kiệm phân bón thì nông dân cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ theo tỷ lệ phù hợp. Sản xuất phân hữu cơ từ các nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương như rơm rạ, bèo tây, phụ phẩm nông nghiệp, nguồn chất thải chăn nuôi... giúp tăng chất lượng nông sản, giảm chi phí phân bón và bảo vệ môi trường.

TRẦN HIỀN