Tập luyện thể thao thế nào là an toàn hậu Covid-19?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 06/04/2022
Dù phần lớn người mắc Covid-19 chỉ gặp những triệu chứng nhẹ nhờ đã tiêm vaccine, một số người vẫn có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi, đau nhức nhiều tuần sau khi khỏi bệnh. Theo bác sĩ Robert Newton, giáo sư y học vận động tại Đại học Edith Cowan, Australia, Covid-19 có thể gây tổn hại nhiều cơ quan trong cơ thể, dẫn tới mệt mỏi kéo dài. Hệ thống tim mạch không thể cung cấp oxy đến các cơ đang hoạt động một cách hiệu quả. Vì vậy, các hoạt động trước đây chỉ ở cường độ nhẹ đến trung bình nay có thể cảm thấy khá nặng nhọc. "Ngủ và nghỉ ngơi giúp hệ miễn dịch chống lại bệnh tật, nhưng điều quan trọng là phải bắt đầu vận động trở lại để tránh cơ thể suy yếu thêm. Thời gian bắt đầu các bài tập trở lại là khoảng 7 ngày sau khi các triệu chứng chính biến mất", bác sĩ Newton nói. Theo Cơ quan Y tế Anh, việc tập thể dục hậu Covid-19 là an toàn, trừ những trường hợp đặc biệt được bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu yêu cầu không tập thể dục. Nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm cho các vấn đề về cơ xương khớp trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, tập thể dục làm tăng sức mạnh của cơ bắp, tim và phổi, cũng như số lượng ti thể, những "nhà máy" sản xuất năng lượng trong các tế bào cơ, giúp chống lại tác động gây suy nhược của việc nhiễm virus. Người đã khỏi Covid-19 nên cố gắng quay trở lại các hoạt động bình thường của mình bằng cách tăng dần số lượng, tần suất, cường độ vận động mỗi ngày. Cần cố gắng cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi, đồng thời để ý đến các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi. Các khớp và cơ được thiết kế để di chuyển nhưng cũng cần được nghỉ ngơi khi cần thiết. Cách tập luyện phù hợp Các chuyên gia cho hay sau khi khỏi Covid-19, mọi người có thể bắt đầu bằng những hoạt động thể chất chung, bao gồm tất cả các hoạt động thường ngày như giặt giũ, nấu nướng, làm vườn... Sau đó, từ từ tiến tới những hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều thể lực hơn. Các bài tập tăng cường sự linh hoạt rất có ích với người gặp vấn đề về cơ xương khớp, giúp cải thiện chuyển động của khớp hoặc cơ, ví dụ các động tác kéo giãn cơ thể, yoga, thái cực quyền... Có một số bằng chứng cho thấy tập yoga và thiền định có thể giúp cải thiện sức khỏe của phổi, giảm tính nhạy cảm của virus và tăng tốc độ phục hồi sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nhờ tác dụng thư giãn của những bộ môn này. Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cũng nên cố gắng quay trở lại tập luyện cơ bắp từ 2 buổi trở lên mỗi tuần. Một số hoạt động tăng cường cơ bắp phù hợp bao gồm leo cầu thang, nâng tạ, đi bộ lên dốc, đạp xe, các hoạt động làm vườn như đào đất... Theo Janet Bondarenko, nhà vật lý trị liệu hô hấp cấp cao tại bệnh viện Alfred ở Melbourne, Australia, hoạt động thể chất dễ thực hiện nhất hậu Covid-19 là đi bộ và nếu có thể, nên đi bộ ngoài trời. "Hãy bắt đầu với những chuyến đi bộ ngắn. Dần dần, bạn có thể tăng độ dài và tốc độ đi bộ miễn là điều đó không khiến bạn quá mệt mỏi hay khó thở", bà nói. Bà Bondarenko cho hay cảm giác mệt mỏi sau khi bị nhiễm virus là điều bình thường và khả năng phục hồi của mỗi người là khác nhau. "Việc thúc ép bản thân khi bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi sau Covid-19 sẽ không làm tăng tốc độ phục hồi của bạn. Hãy cho bản thân có thêm thời gian để trở lại thể trạng trước Covid-19. Sự phục hồi của mỗi người là khác nhau nhưng theo thời gian mọi người đều sẽ trở lại như bình thường", bà nói. Một điều quan trọng là nên thay đổi tư thế thường xuyên. Hạn chế thời gian duy trì ở một tư thế, chẳng hạn ngồi hoặc nhìn vào máy tính và điện thoại di động quá lâu. Nếu cảm thấy các triệu chứng trở nên nặng hơn, hãy tìm một tư thế thoải mái hoặc đi lại xung quanh một lúc. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để sử dụng thuốc giảm đau phù hợp nếu cần thiết.
Theo VnExpress