Trẻ bồng bột hay trách nhiệm của cha mẹ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:32, 06/04/2022
Tôi tin rằng, khi đọc tin một nam sinh đang theo học trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội đã trèo qua ban công căn hộ chung cư ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử vào rạng sáng 1.4 chắc ai cũng đều rất thương xót. Thương cho em đang tuổi ăn tuổi lớn, tương lai còn rộng mở phía trước mà lại chọn cách tiêu cực kết liễu cuộc đời. Thương cho người thân của em với nỗi đau quá lớn đè nặng trong suốt những tháng ngày còn lại. Nguyên nhân ban đầu sự việc này được cho là em chịu nhiều áp lực trong học tập, suy nghĩ còn bồng bột.
Việc trẻ tự tử vì áp lực, nhất là những áp lực trong học tập đã được cảnh báo từ lâu. Gõ từ khóa tìm kiếm "trẻ tự tử vì áp lực" trên Google vào ngày 1.4, trong 0,41 giây đã cho ra khoảng 37,6 triệu kết quả. Nổi bật trong số những kết quả tìm kiếm ấy cũng là một thông tin rất đau lòng, sự việc mới chỉ xảy ra ở Hà Nội vào tháng 12.2021. Một em nhỏ 12 tuổi (ở chung cư Goldmark City, Bắc Từ Liêm), cũng nhảy từ tầng cao xuống đất tử vong, nguyên nhân được xác định là do em chịu nhiều áp lực trong học tập. Cũng theo các kết quả tìm kiếm chỉ ra, việc trẻ tự tử do áp lực là một thực trạng nhức nhối trên toàn thế giới. Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc, con số cũng đáng báo động.
Vậy lý do nào khiến những đứa trẻ đáng ra phải được hưởng sự hồn nhiên vui tươi lại phải chịu áp lực, mệt mỏi rồi dẫn đến lựa chọn tiêu cực như vậy? Thiết nghĩ nó là sự tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân từ phía cha mẹ, tác động xã hội, tâm lý con trẻ...
Ngay khi xảy ra sự việc nam sinh tự tử vào ngày 1.4, tôi đã thấy một người bạn chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: "Em thấy bọn trẻ bây giờ nhạy cảm và yếu đuối quá. Qua sự việc trên cũng như lời cảnh tỉnh, chẳng ai xa lạ mà chính con của em đã nói, lời của đứa trẻ 8 tuổi thực sự làm em giật mình: Mẹ không yêu con, có phải lúc con chết mẹ mới yêu con đúng không? Bạn nhà em là đứa hiếu động, nhưng rất tình cảm". Đôi khi đang làm việc thì cô giáo gọi điện, nói việc này việc kia, thành ra rất áp lực. Nên về nhà mẹ lại trút giận lên đầu con...
Thường thì các bậc cha mẹ rất kỳ vọng vào con cái. Vì vậy, bằng mọi cách để gò ép con học tập. Khi con học tập không được như mong muốn hoặc kết quả giảm sút cha mẹ sẽ không hài lòng, có người không tiết chế được cảm xúc sẽ mắng chửi hoặc chì chiết trẻ. Đã thế do áp lực cuộc sống, công việc bận rộn, nhiều người không có thời gian quan tâm, chia sẻ, lắng nghe tâm sự của con. Đáng buồn hơn là nhiều người không hề tôn trọng ý kiến, cảm nhận của trẻ trước những vấn đề sở trường và sở đoản của chúng. Những điều ấy không chỉ khiến trẻ áp lực mà còn có cả sự cô đơn cứ lớn dần trong lòng chúng.
Nếu phụ huynh ép con học quá nhiều sẽ làm đầu óc con luôn căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm, tiêu cực hơn là sẽ tìm đến cái chết để giải thoát. Đây là lời cảnh báo của chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học. Những suy nghĩ tiêu cực của trẻ không phải một sớm một chiều mà có. Nó được hình thành trong thời gian dài, thậm chí trong suốt cả quá trình lớn lên của trẻ. Đến một thời điểm trẻ không cân bằng được nữa thì sẽ nghĩ đến hành động tiêu cực. Bởi vậy, sự quan tâm của cha mẹ là rất cần thiết để xoa dịu, giúp trẻ cởi bỏ những uẩn ức trong lòng. Cha mẹ phải thường xuyên giám sát, giúp con nhận biết điều hay, lẽ phải, phòng tránh các tệ nạn xã hội, dạy con biết thụ hưởng những thành quả do lao động mà có và phải biết chấp nhận những thất bại của cuộc sống để cố gắng vươn lên...
Mong rằng sẽ không còn những câu chuyện đau lòng như trên.
NGỌC THANH(TP Hải Dương)