Ý thức nguồn cội

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:59, 10/04/2022

Mấy ngày nay, gia đình tôi rộn ràng tiếng cười nói, đông vui hơn vì gia đình chú tôi ở TP Krasnodar (miền Nam nước Nga) về nước.

Do điều kiện và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vài năm nay chú không thể về Việt Nam, trong lòng luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Đợt này gia đình chú đã thu xếp công việc về nước đúng dịp tiết Thanh minh, Giỗ Tổ Hùng Vương. Chú bảo về với đất Tổ là về với quê mẹ, với cội nguồn. Ước vọng một lần trong đời được hành hương về Đền Hùng, dâng một nén nhang thành kính tri ân tiền nhân là niềm vui, là vinh hạnh mà không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là những người xa quê như gia đình chú.

Lần đầu tiên được về Đền Hùng, đặt chân lên mảnh đất đã sinh ra dòng giống Tiên Rồng, vợ chồng chú và con gái rất xúc động. Dù sinh ra và lớn lên ở một thành phố xa xôi của nước Nga nhưng em họ tôi được gia đình vun đắp vốn tiếng Việt và hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt. Em thuộc nằm lòng những truyền thuyết dân gian gắn với thời kỳ Vua Hùng. Truyền thuyết về Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ. Chuyện bánh chưng, bánh dày nhắc nhở người trẻ về lòng hiếu thảo, sức sáng tạo, chăm chỉ trong lao động, sản xuất. Truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh là bài học về sức mạnh vượt lên thiên tai nhờ tinh thần đoàn kết, khuyến khích các bạn trẻ kiên cường, không khuất phục trước khó khăn, thử thách của thiên nhiên, tạo hóa. Chuyện về Chử Đồng Tử-Tiên Dung ca ngợi lòng hiếu thảo, nghị lực vươn lên cùng khát vọng tình yêu tự do, nhìn nhận người khác không theo địa vị, giàu nghèo… Thì ra hơn ai hết, bố mẹ phải là những người thầy đầu tiên dạy con em mình yêu thích lịch sử, biết cội nguồn dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cái làm nên sự khác biệt chính là gốc gác, là ý thức rất rõ về cội nguồn. Lịch sử đã chứng minh căn nguyên sâu xa làm nên bao chiến thắng kỳ diệu của dân tộc chính là ý thức về cội nguồn, dân tộc, về đồng bào. Điều đáng quan tâm hơn hết hiện nay chính là làm sao để các bạn trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ý thức rõ ràng về cội nguồn của mình. Giáo dục ý thức ấy không có gì khác hơn là phải giáo dục lịch sử một cách toàn diện, chân thực cho thế hệ trẻ.

Mấy năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cách làm để đưa lịch sử trở nên gần gũi với học sinh hơn nhưng chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn. Nhiều bạn trẻ lờ mờ về lịch sử nước nhà, cái gì thấy cổ đều cho là lịch sử nên “đồng thau lẫn lộn”, “râu ông này cắm cằm bà kia”. Còn phụ huynh xem nhẹ môn học này, vì cho rằng lịch sử học để biết chứ không ứng dụng gì trong nghề nghiệp tương lai sau này. Đó là những nhận thức sai lầm.

Không biết cội nguồn, quê hương, không có sự đùm bọc, đoàn kết, yêu thương, chia sẻ… sẽ dẫn đến bi kịch từ gia đình đến xã hội. Từ thực tiễn cho thấy giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, để từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu thương người - người cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đây được coi là giải pháp “kiềng 3 chân” để thế hệ trẻ yêu thích lịch sử. Dạy lịch sử là truyền cho các bạn trẻ tinh thần của dân tộc, hồn thiêng sông núi, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử chứ không phải những số liệu khô khan của sự kiện, diễn biến dài dòng của chiến dịch, trận đánh…

Không chỉ quan tâm đến giới trẻ trong nước, vài năm trở lại đây, có nhiều chương trình dành cho thế hệ trẻ kiều bào tìm hiểu di sản văn hóa, di tích lịch sử của đất nước, tham gia các hoạt động từ thiện, tri ân và tưởng niệm để giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hướng về quê hương, cội nguồn. Từ những chuyến tham quan, về nguồn, mỗi thanh niên kiều bào sẽ trở thành sứ giả góp phần không nhỏ đưa văn hóa, lịch sử, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam lan tỏa khắp cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần thêm nhiều sáng kiến, hoạt động lý thú, bổ ích, thiết thực kết nối thanh niên trong nước với kiều bào, tạo điều kiện để tuổi trẻ kiều bào trở về học hỏi, đóng góp trên mọi lĩnh vực.

Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng trong tiết trời ấm áp của tháng ba, đã thấy nhiều cánh chim phương xa bay về cội trong niềm hân hoan sum họp.

BẢO LINH