Xin nước Đền Giếng làm bánh đậu xanh
Ẩm thực - Ngày đăng : 08:37, 10/04/2022
Người lao động tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất bánh đậu xanh Tiên Dung
Bánh đậu xanh mang tên công chúa
Thương hiệu bánh đậu xanh Tiên Dung từ lâu đã có tiếng tăm. Không phải tự nhiên mà gia đình ông Nguyễn Phúc Lai lựa chọn tên con gái Vua Hùng để đặt cho một loại đặc sản của mảnh đất xứ Đông.
Vợ chồng ông Lai quê ở Hưng Yên. Trước đây, ông Lai công tác trong ngành văn hóa, vợ ông là giáo viên nhưng nghỉ hưu sớm. Sau đó, bà làm sạp bán sách báo mưu sinh. Ông Lai được phân một mảnh đất ở cạnh hồ Bình Minh (TP Hải Dương) làm nhà. Mãi sau ông mới biết đây chính là vùng đất Chử Đồng Tử (chồng của công chúa Tiên Dung) xưa kia từng đi đánh cá qua đây, lập làng.
Đến năm 1992, khi đó Hải Dương nở rộ các mô hình làm bánh kẹo, gia đình ông cũng muốn làm bánh đậu xanh nhưng không có tiền thuê thợ dạy. Ngày đó, ông có quen một người bạn đã dạn dày kinh nghiệm trong nghề làm bánh đậu xanh. Một lần bạn ông về Hải Dương chơi đã dạy con trai ông làm bánh. Khi làm hoàn thiện một chiếc bánh, ông Lai đã nghĩ đến việc đặt tên cho sản phẩm đầu tay. Có rất nhiều tên được đưa ra nhưng cuối cùng ông đã chọn cái tên Tiên Dung. Ông Lai chia sẻ có rất nhiều lý do để chọn tên công chúa làm tên bánh. Bởi vì, vợ chồng ông quê ở Hưng Yên, nơi công chúa Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử và nên duyên vợ chồng. Lý do thứ hai, mảnh đất ông đang ở từng là nơi Chử Đồng Tử đi qua. Thứ nữa là vì bản thân ông say mê câu chuyện tình yêu giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung cao thượng, đáng tôn thờ.
Ngày đó bánh đã có tên nhưng chưa bán ra thị trường. Để "hợp lệ", năm 1993 vợ chồng ông về Phú Thọ sửa biện lễ dâng lên vua cha, mang bánh Tiên Dung đến Đền Giếng (nơi thờ 2 vị công chúa con gái Vua Hùng là Ngọc Hoa và Tiên Dung) dâng lễ xin tên công chúa Tiên Dung đặt cho bánh. Ông đã xin khoảng 5 lít nước ở Đền Giếng về để đun đường, tẩm khuôn làm bánh. Điều bất ngờ là mẻ bánh ấy ngon hơn bình thường. Bánh mịn, vàng và ngậy hơn. Mùa thu năm 1993, mẻ bánh đầu tiên gia đình ông dành dâng lên đình Đông Kiều ở phố Minh Khai (TP Hải Dương, nơi thờ tượng công chúa Tiên Dung) và một số đình, chùa khác. Từ đó, gia đình ông Lai chọn ngày 12.8 âm lịch - ngày sinh của Chử Đồng Tử làm ngày khởi nghiệp của bánh đậu xanh Tiên Dung cũng chính là Công ty TNHH Tiên Dung ngày nay. Đây cũng là ngày doanh nghiệp tổ chức liên hoan cho công nhân, người lao động, để tri ân những người góp công làm nên những mẻ bánh đậu xanh Tiên Dung ngon ngọt.
Đặc sản thanh tịnh
Dù đi sau một số thương hiệu khác nhưng bánh đậu xanh Tiên Dung vẫn khẳng định được chất lượng và vị thế của mình trong lòng thực khách.
Gần 30 năm có mặt trên thị trường nhưng phương châm làm bánh của gia đình ông Nguyễn Phúc Lai vẫn là "hữu xạ tự nhiên hương", nghĩa là chỉ cần làm tốt, bảo đảm chất lượng thì tự nhiên khách sẽ tới. Bánh đậu xanh Tiên Dung được làm từ đỗ xanh trồng ở ven sông Hồng, mỡ lợn, đường kính trắng, vani. Vì lấy tên công chúa để đặt tên bánh nên trong quá trình sản xuất, ông Lai luôn dặn dò người làm phải cẩn thận. Bánh làm ra phải ngon, phải đẹp. Vì đây không chỉ là món bánh đơn thuần, đây là đặc sản thanh tịnh thường được lựa chọn để dâng lễ.
Nhờ thiết kế hộp đựng bánh tinh tế với hình ảnh rồng chầu trống đồng thời Vua Hùng nên bánh đậu xanh Tiên Dung đắt hàng nhất vào dịp Tết Trung thu, Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày Tết. Đặc biệt, vào ngày Giỗ Tổ, khách hàng gần xa đặt bánh thắp hương, làm lễ nhiều gấp 3 lần ngày thường.
Bánh đậu xanh Tiên Dung không chỉ là món ẩm thực mà còn mang ý nghĩa tâm linh nên gia đình ông Lai không định hướng xuất khẩu mà chỉ mong chăm chút phục vụ ngày càng tốt khách hàng trong nước. Bởi là đặc sản mang đậm tính chất văn hóa nên theo ông Lai, khi thưởng thức bánh đậu xanh Tiên Dung cũng cần có không gian. Không gian phải tĩnh lặng, có tri âm, tri kỷ. Thưởng thức bánh với nước trà xanh Thái Nguyên sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh tịnh hẳn. "Nhâm nhi bánh đậu xanh để lấy thơm lấy tho chứ không phải lấy no lấy chán", ông Lai nhẹ nhàng cười nói.
MINH NGUYỆT