Võ Công Đạo – vị quan không ham gái đẹp
Danh nhân - Ngày đăng : 08:34, 12/04/2022
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập ghi về việc Võ Công Đạo nghiêm khắc từ chối khi có kẻ đem gái đẹp đến để lấy lòng ông (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Hải Dương xưa có câu “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”. Làng “Chằm” tức làng Mộ Trạch ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang ngày nay. Đây là nơi có nhiều tiến sĩ Nho học nhất cả nước và được mệnh danh là “làng tiến sĩ xứ Đông”. Các nhà khoa bảng của làng đều thông minh, học giỏi và thành đạt. Một trong số đó có Võ Công Đạo – một công thần tiêu biểu về đức tính chuẩn mực của mình.
Từ giấc mơ kỳ lạ thi đỗ tiến sĩ...
Khoa thi Hương, năm Mậu Tuất (1658), vì gặp tang cha mẹ, lại nhân đi xa nên Võ Công Đạo không tham dự được, trong lòng rất muộn phiền. Một đêm, ông nằm mơ thấy mình đến chùa Vô Ngại, bỗng có tiếng gọi lại: "Tiến sĩ đi đâu đấy?". Ông gặp người giữ cửa hỏi rằng: “Có quan nào trong ấy? Người giữ cửa nói: “Mặc áo vàng ngồi ở giữa là Ngọc hoàng thượng đế, mặc áo đỏ và mặc áo xanh ngồi hai bên tả hữu là Nam tào và Bắc đẩu đấy”. Ông vào sân yết kiến để hỏi, bỗng nghe nói: “Năm nay thi đỗ”.
Võ Công Đạo nghĩ thầm rằng mình chưa hết tang, lại vắng mặt không dự thi thì làm sao mà đỗ được. Đến khoa thi Hội, năm Kỷ Hợi (1659), Chiêu tổ (Trịnh Căn) có Chỉ cho những người vắng mặt và đi thi thay nếu giỏi văn học đều tha cho cả để thu dụng nhân tài. Vì thế ông được miễn lệ. Khoa thi ấy quả nhiên ông đỗ tiến sĩ. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 33, mặt khắc 36 còn ghi về Tiến sĩ Võ Công Đạo như sau: “Võ Công Đạo và Võ Duy Hài: đều người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, đều đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), năm Vĩnh Thọ triều Lê Thần Tông”.
... đến ông quan ngay thẳng
Sau khi thi đỗ, Võ Công Đạo được bổ chức Đô Ngự sử. Tuy nhiên, năm Nhâm Tuất (1682), ông bị bãi chức về nhà vì tính cách quá ngay thẳng, dám cãi lời Trịnh Căn. Sự việc được Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 34, mặt khắc 21 ghi lại rằng: “Tháng 6 năm trước, vua nhà Thanh hạ lệnh cho quan chức Quảng Tây giao trả tù binh gồm những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu. Thích Dục tuần phủ Quảng Tây báo tin ấy cho nước ta biết. Triều đình sai Phó đô ngự sử Võ Duy Đoán và Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan Thân Đức Tài cùng nhau đến cửa ải nơi biên giới tiếp nhận tù binh. Lúc ấy công văn trao đổi, tên của Duy Đoán đứng dưới tên của Đức Tài. Đến nay, triều đình sai Duy Đoán và Võ Công Đạo lại đi tiếp nhận tù binh. Lúc này, Duy Đoán đã thăng chức Thượng thư và Công Đạo giữ chức Đô ngự sử, nhưng Trịnh Căn muốn rằng trong công văn vẫn cứ để tên theo thứ tự đã đề trước. Duy Đoán khẳng khái nói: “Tôi tự hổ là một người chỉ làm để cho đủ vị Thượng thư thôi, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng vương thượng coi “nam nha” là cao quý, không ngờ bây giờ “hoàng môn” lại ở trên “nam nha”. Việc này tôi không dám vâng theo mệnh lệnh”. Võ Công Đạo cũng cố tranh luận là không nên như thế”. Trịnh Căn giận lắm, bèn bãi chức hai người này”.
Theo Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập thì khi kháng nghị việc Võ Duy Hoán và nội thần mà chúa không nghe, ông đã đập đầu vào cột, mặt hằm hằm như “bẻ gãy cột”. Tuy nhiên, sau khi nguôi giận, xét thấy Võ Công Đạo là vị quan tài ba lại ngay thẳng nên Trịnh Căn đã bổ dụng ông làm Hữu thị lang bộ Hình.
Ngoài bản tính cứng cõi, chính trực, Võ Công Đạo còn nổi tiếng đứng đắn, mẫu mực, biết giữ mình giữa chốn quan trường. Biết ông là quan lớn, có kẻ muốn cậy nhờ nên đem gái đẹp để lấy lòng nhưng ông đã nghiêm khắc từ chối. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 6, mặt khắc 25 và 26 ghi về việc này như sau: “Võ Công Đạo là người có tính cách thuần hậu, chất phác và ngay thẳng. Ngày xưa, lúc ông đang giữ chức Đốc đồng ở xứ Sơn Nam, có một người thấy lúc bấy giờ vợ ông đi vắng, bèn đem đến cho ông một người kỹ nữ rất đẹp để làm việc mại dâm. Võ Công Đạo cự tuyệt một cách rất nghiêm khắc, bảo rằng: “ta tuy chẳng bằng các bậc cổ nhân, nhưng chưa bao giờ ta phạm tới hiếu sắc”. Việc ấy cũng là một việc người đời khó tránh vậy”.
Sau này, cũng trong tác phẩm Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, vua Tự Đức đã gói gọn những phẩm chất cao quý của Võ Công Đạo trong 4 câu thơ được vua vịnh rằng: "Gieo đầu vào cột khó thành thư/ Kỹ nữ ông hay việc khước từ/ Làm được quan vừa lo chánh sĩ/ Trịnh vương truyền tập phải sao giờ".
THƠM QUANG