Anh Luận nuôi trâu vỗ béo
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:23, 12/04/2022
Trâu vỗ béo nuôi từ 3-4 tháng là có thể xuất bán, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 4-5 triệu đồng/con
Anh Luận từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2004-2007. Sau khi về nước, anh làm nhiều nghề, nhưng cũng chỉ làm công ăn lương. Mảnh đất Nam Hưng quê anh có nghề nuôi trâu nhưng chủ yếu là chăn thả, không tập trung. Nhận thấy vùng đất trũng ven sông Kinh Thầy rộng lớn ngập cỏ dại có tiềm năng để khai thác, với tư duy nhạy bén, anh Luận nung nấu ý định lập trang trại nuôi trâu vỗ béo theo hướng chăn nuôi công nghiệp.
Năm 2010, gia đình anh gom hết vốn liếng, vay mượn được 5 tỷ đồng để đầu tư trang trại. Anh tìm tòi kinh nghiệm vỗ béo trâu để rút ngắn thời gian nuôi so với chăn thả. Giai đoạn đầu, anh đầu tư xây dựng chuồng trại có diện tích khoảng 1.000 m2, trồng thêm 1-2 mẫu cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn và mua 50 con trâu của người dân về nuôi. Sau vài tháng, anh xuất bán, nhưng chỉ bán đi các tỉnh trong nước nên giá không cao. Sau đó, anh đi khắp nơi tìm hiểu và liên hệ được với thương lái chuyên buôn trâu thịt sang Trung Quốc với giá cao hơn hẳn bán trong nước.
Thấy làm ăn tốt, gia đình anh tiếp tục mở rộng trang trại với diện tích 5 ha và 10 mẫu đất trồng cỏ. Anh lắp đặt đồng bộ hệ thống phun sương, quạt để làm mát cho trâu những ngày nóng bức và có biện pháp chống rét khi mùa đông đến. Anh chú trọng đến nguồn thức ăn, nước sạch, bảo đảm vệ sinh và hàm lượng chất dinh dưỡng đúng theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn tiêm phòng cho trâu các loại bệnh thường gặp, giúp tăng sức đề kháng, hạn chế thấp nhất mầm bệnh. Đàn trâu của gia đình anh luôn duy trì khoảng 300 con. Trung bình mỗi tháng, mỗi con trâu tăng từ 35-40 kg, nuôi từ 3-4 tháng là có thể xuất bán. Thông thường, mỗi con nặng 4-5 tạ, bán với giá 60-75 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi từ 4-5 triệu đồng/con. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Từ giữa năm 2021 đến nay, do dịch Covid-19 nên gia đình anh không thể xuất bán trâu sang Trung Quốc, việc tiêu thụ trâu tại thị trường trong nước cũng hạn chế, giá lại giảm thấp. Thấy nuôi trâu gặp khó, anh tìm tới các trang trại nuôi dê ở Kinh Môn, Tuyên Quang để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc về để áp dụng cho phù hợp với trang trại của mình và dự định nuôi thêm khoảng 1.000-2.000 con dê trong thời gian tới. Tính đến thời điểm hiện tại, đàn trâu của gia đình anh chỉ còn khoảng 100 con.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Luận còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu đầu vào, đầu ra cho các cơ sở nuôi trâu bò lân cận, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và từ 10-15 lao động thời vụ mỗi đợt cao điểm.
QUỲNH MAI