Dòng tiền tham gia mua bán cổ phiếu giảm dần, hơn 700 mã chứng khoán rớt giá

Kinh tế - Ngày đăng : 19:00, 15/04/2022

Phiên 15.4 chứng kiến thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa", với 749 mã cổ phiếu bị rớt giá.

Thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều tài sản của nhiều nhà đầu tư bị sụt giảm

Dòng tiền mua bán ngày một yếu dần, khi tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt xấp xỉ 24.950 tỉ đồng, giảm hơn 21% so với phiên đầu tháng.

"Cần gấp bình oxy, tiếp tục một phiên gồng lỗ", anh V.Q. (nhà đầu tư) cảm thán khi chứng kiến cổ phiếu trong danh mục đầu tư tiếp tục bị rớt giá ở phiên giao dịch hôm nay 15-4.

Mặc dù thị trường chứng khoán khởi đầu trong sắc đỏ giảm điểm ngay khi mở phiên giao dịch, sau đó vươn lên sắc xanh tăng trưởng, nhưng rồi nhanh chóng bị chìm trong "chảo lửa" khi áp lực bán tăng dần.

Trong phiên, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngân hàng bị nhà đầu tư dồn dập bán ra, kéo thị trường lao dốc, điển hình là BID (BIDV), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank), MBB (MBBank), TPB (TPBank)...

Song song đó, nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc các lĩnh vực khác cũng hứng chịu áp lực bán, như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HPG (Hòa Phát), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng)...

Mặc dù ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán GEX) - đã lên tiếng về tin đồn, nhưng phiên hôm nay cả cổ phiếu GEX và nhiều mã khác thuộc "họ Gelex" như VGC (Viglacera), IDC (Tổng công ty IDICO), VIX (Chứng khoán VIX), PXL (CTCP Đầu tư và phát triển KCN dầu khí Long Sơn)... cũng tiếp tục bị nhà đầu tư xả hàng mạnh.

Song song đó, cổ phiếu "họ FLC" cũng bị bán mạnh. Chốt phiên, chỉ riêng mã KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) vẫn còn giữ được sắc đỏ. Các mã khác như FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) và ART (Chứng khoán BOS) bị rớt xuống giá sàn.

Giữa lúc đó, thị trường vẫn nhận được lực đỡ của nhiều cổ phiếu khác như GAS (PetroVietnam Gas), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), BVH (Bảo Việt), BCM (Becamex), REE (Cơ Điện Lạnh), SAB (Sabeco), TMS (Transimex), PHR (Cao su Phước Hòa), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), MWG (Thế giới di động)...

Dựa vào chỉ số ngành, có thể thấy hôm nay nhà đầu tư dồn tiền mua cổ phiếu thuộc lĩnh vực bảo hiểm, sản xuất hàng gia dụng, chế biến thủy sản, sản xuất nhựa - hóa chất, nông - lâm - ngư...

Ngược lại, cổ phiếu của ngành thiết bị điện, chứng khoán, dịch vụ lưu trú - ăn uống - giải trí, ngân hàng, bất động sản, xây dựng... bị bán ra mạnh.

Cung chiếm áp đảo so với cầu, VN-Index chốt phiên với việc giảm 13,56 điểm (-0,92%) xuống 1.458,56 điểm.

Tình hình ở hai sàn HNX và UPCoM cũng không mấy thuận lợi, khi chịu chung cảnh giảm lần lượt 6,98 điểm (-1,65%) xuống 416,71 điểm và 1,05 điểm (-0,93%) xuống 112,36 điểm.

Đáng chú ý, dòng tiền chảy vào thị trường để mua bán cổ phiếu đang có dấu hiệu suy yếu. Khép lại phiên hôm nay, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 24.950 tỉ đồng, tức giảm 21% so với phiên đầu tháng (1-4, với thanh khoản 31.600 tỉ đồng).

Điểm sáng hiếm hoi trong ngày là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng hơn 110 tỉ đồng.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) - cho biết, trong bối cảnh thị trường không quá mạnh và chưa thể bứt phá, nhà đầu tư cần được chắt lọc kỹ càng khi đầu tư, vì nếu chọn sai ngành, cổ phiếu hoặc sai điểm mua - bán thì khả năng thành công là không cao. 

Điểm tích cực là sắp tới thị trường cũng có thể nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, khi doanh nghiệp niêm yết bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông.

Theo Tuổi trẻ