Hải Dương phấn đấu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:01, 16/04/2022

Sở Y tế đã triển khai kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus (PrEP), giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh các hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Hải Dương và Việt Nam vào năm 2030.

Mở rộng và duy trì độ bao phủ của chương trình ít nhất tại 9 huyện, thị xã, thành phố vào năm 2025, trong đó 100% cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế triển khai điều trị PrEP... Tăng cường tuyên truyền, vận động, bảo đảm có trên 80% khách hàng duy trì điều trị PrEP. Phấn đấu tiếp cận, điều trị PrEP thành công tối thiểu cho 400 khách hàng vào năm 2022 và 700 khách hàng vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành y tế cần đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị PrEP tại các cơ sở y tế, các hiệu thuốc, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân... tạo điều kiện thuận lợi cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận với chương trình.

Trong năm 2022, sở y tế yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV phải triển khai thực hiện dịch vụ PrEP cho các nhóm đối tượng; đến năm 2025 triển khai tại các địa phương có triển khai các dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và người có liên quan. Cung cấp các gói dịch vụ điều trị PrEP. Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị toàn diện cho người nhiễm HIV và người có liên quan phối hợp việc triển khai chương trình điều trị PrEP cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao...

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (Pre-Exposure Prophylaxis, viết tắt PrEP) là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) trước các hành vi nguy cơ có khả năng phơi nhiễm với HIV như quan hệ tình dục hoặc tiêm chích mà không dùng các biện pháp phòng ngừa để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. 

Tại Hải Dương, chương trình PrEP đã được triển khai từ năm 2019. Đến năm 2021, chương trình đã điều trị PrEP cho 162/300 khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đạt 54% chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, độ bao phủ của cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh còn thấp. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động có liên quan đến công tác triển khai điều trị PrEP bị hạn chế.

BÌNH MINH