Phát hiện mới về nguyên nhân gây ra các triệu chứng Covid-19 kéo dài
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:36, 16/04/2022
Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, Mỹ, phát hiện nCoV vẫn tồn tại hàng tháng trong phân bệnh nhân Covid-19 sau khi họ khỏi bệnh. Phát hiện này làm dấy lên lo ngại virus có thể khiến hệ miễn dịch của F0 bị tấn công nghiêm trọng và là nguyên nhân gây hàng loạt triệu chứng Covid-19 kéo dài.
Nhóm chuyên gia theo dõi nCoV trong phân và các triệu chứng hậu Covid-19 của nhiều người đã khỏi bệnh. Từ đây, họ nhận thấy 50% tình nguyện viên có dấu vết của virus trong chất thải sau một tuần nhiễm bệnh. Đặc biệt, 7 tháng sau, tình trạng này vẫn còn.
Các nhà nghiên cứu cũng kết luận virus này cũng có khả năng lây nhiễm trực tiếp vào đường tiêu hóa. Đây có thể là nơi ẩn náu của chúng trong cơ thể hàng tháng và khiến người bệnh gặp phải hàng loạt triệu chứng Covid-19 kéo dài.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Med ngày 15.4. Theo PGS Ami Bhatt, Đại học Stanford, tác giả cấp cao của nghiên cứu: "Kết quả này đặt ra câu hỏi lây nhiễm virus đang diễn ra ở các bộ phận tiềm ẩn trong cơ thể và nó có thể là chìa khóa của hội chứng Covid-19 kéo dài. Virus có thể xâm nhập trực tiếp vào tế bào, làm hỏng mô, tạo ra các protein kích thích hệ miễn dịch".
Đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra hội chứng hậu Covid-19 hay triệu chứng Covid-19 kéo dài vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tình trạng này ảnh hưởng 5-80% người khỏi Covid-19 trên toàn cầu. GS Akiko Iwasaki, Đại học Yale, Mỹ, cho biết có thể có ít nhất 4 cơ chế sinh học khác nhau dẫn đến tình trạng này.
“Long Covid có khả năng giống triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau. Một trong số đó là SARS-CoV-2 tồn tại dai dẳng trong cơ thể, kích hoạt phản ứng miễn dịch, dẫn đến hàng loạt triệu chứng khó giải thích", vị chuyên gia nói.
Hiện nay, một số trường hợp có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng virus hoặc kháng thể đơn dòng. Song, chặng đường dập tắt "đại dịch hậu Covid-19" còn rất dài.
Theo Zing