Đừng gây áp lực cho con
Xã hội - Ngày đăng : 21:54, 16/04/2022
Trấn an chị dâu rồi tôi bước vào phòng của Đức. Đức đang nằm co ro giữa giường, xung quanh là đồ đạc, sách vở bị vứt, xé tung tóe. Tôi lẳng lặng thu dọn sách vở, sắp xếp cẩn thận lên bàn học cho cháu rồi khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh. Lúc này, Đức mới lười biếng hé mắt nhìn lướt qua tôi, nó chào khẽ một tiếng “Cô!” khô khốc rồi trở mình quay lưng lại phía tôi như ngầm cho tôi biết là nó không muốn nói chuyện với tôi.
Tôi kiên nhẫn ngồi nắn nắn bàn tay gầy gò của cháu và thủ thỉ hỏi xem cháu mệt mỏi, ốm đau thế nào? Tuyệt nhiên tôi không đả động gì đến việc học hành của Đức. Lúc đầu, Đức cứ nằm im nghe tôi hỏi, giả như đã ngủ say. Nhưng đến khi tôi nói rằng, tôi sẵn sàng lắng nghe cháu chia sẻ mọi chuyện như những ngày cháu còn bé, khi bố mẹ cháu đi công tác dài ngày và cháu ở cùng vợ chồng tôi, hai vai Đức rung lên rồi nó bật khóc thành tiếng. Rồi như được dịp cởi bỏ những nỗi niềm trong lòng, Đức cho tôi biết những áp lực đang đè nặng trên vai khiến nó vô cùng hoảng loạn và sợ hãi. Đức thổ lộ rằng với nó bây giờ việc đến lớp như là một cực hình. Nó không còn đủ tự tin để học tập, để giao tiếp với bạn bè, thầy cô nữa. Càng nghe Đức nói tôi càng thêm giận anh chị mình. Chính anh chị chứ không ai khác đã khiến con trai của mình trở nên như thế. Cái giá của việc đề cao con quá mức của anh chị khiến thằng bé ngay từ nhỏ đã mặc định mình là giỏi nhất. Mình phải giỏi để bố mẹ được tự hào. Để có được vị trí nhất này, Đức đã phải từ bỏ hết tuổi thơ của mình. Khi bạn bè cùng nhau chơi đùa thì Đức cặm cụi đọc sách, khi các bạn tham gia các phong trào văn nghệ, các cuộc giao lưu thể thao thì Đức ngồi "cày" trong các lớp học thêm, các trung tâm luyện học sinh giỏi. Với Đức thời gian tính bằng việc học. Cặp mắt kính của nó ngày một dày lên.
Các năm cấp 1, cấp 2, Đức luôn đứng nhất lớp, lại học trường chuyên, lớp chọn khiến anh chị tôi lúc nào cũng hãnh diện về con. Tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với anh chị rằng cần cho con được vui chơi, giải trí để phát triển toàn diện nhưng anh chị tôi cứ gạt phắt đi. Anh trai tôi còn bảo: “Chơi để hư thân à? Thời gian học còn không có chơi bời gì".
Chẳng ngờ, điều tôi lo lắng nay đã thành sự thật. Đó là khi Đức vào THPT, kiến thức khó hơn, Đức gặp điểm số thấp ở môn lý ngay đầu năm học. Cháu rơi vào tâm trạng thất vọng và khổ sở. Thằng bé đóng cửa phòng để học, nhịn cả ăn, ai hỏi gì cũng không nói. Từ đó trở đi việc học hành của Đức cứ dần tụt dốc. Nó sẵn sàng nổi nóng, giận dữ với bất kỳ ai, đôi khi rất vô cớ. Đáng lý, anh chị tôi phải đưa con đến gặp nhà tâm lý hoặc cùng thảo luận với con để tìm ra nguyên nhân thất bại, từ đó rút kinh nghiệm, tránh việc để tự con cố gắng xoay xở một mình. Thế nhưng khi thấy con bị điểm kém, anh chị tôi đã lên án, thậm chí còn bảo con: "Chỉ có ham chơi mới học sút kém chứ chẳng có lý do nào khác hết". Ức chế vì bố mẹ không thấu hiểu nên đến hôm nay, sau khi làm bài kiểm tra cuối kỳ không được như ý, Đức đã đập phá đồ đạc, xé sách vở và đòi bỏ học.
Tôi động viên cháu và cho cháu biết rằng nguyên nhân thất bại của cháu là do chưa quen với cách học của THPT và do cháu tự gây áp lực cho mình quá lớn mà thiếu sự khoa học trong cách học tập nên đã gặp thất bại dù luôn cố gắng hết sức. Mặt khác khi gặp trở ngại, rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo lắng, tâm trạng tụt dốc cháu lại cứ tự gồng mình lên để tự giải quyết mà không chia sẻ với bố mẹ, người thân. Thấy cháu lắng nghe và có vẻ đã hiểu phần nào vấn đề, tôi bảo cháu nghỉ ngơi cho khỏe và hẹn cháu ngày mai khi cháu thật sự bình tĩnh, cả gia đình sẽ cùng nhau gỡ rối mọi chuyện và cùng vượt qua khó khăn này. Tôi cũng khẳng định rằng không ai có thể giúp cháu nếu cháu thật sự không tự mình nhìn ra vấn đề.
Khi nghe tôi nói anh chị cần dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn con đang mắc phải và chia sẻ với anh chị những sai lầm khi mặc định con mình là giỏi nhất, tạo áp lực cho con bằng lịch học thêm dày kín mít, anh trai tôi có vẻ không hài lòng. Chị Loan thì thút thít khóc: “Cô thấy có vô lý không? Thằng bé bao năm giỏi như thế, giờ tự dưng lại như vậy. Nó làm anh chị thất vọng quá”.
Đến nước này thì tôi bực hết sức. Tôi hỏi anh chị có khi nào nghĩ đến cảm xúc của con trai không? Có khi nào anh chị nói với nó rằng chỉ cần nó vui vẻ, hạnh phúc không? Học giỏi quan trọng thật đấy, nhưng ép con học đến mụ người như anh chị để con sợ đến mức này thì có còn là tốt cho con nữa không? Rồi tôi đưa ra những dẫn chứng về hệ lụy của việc trẻ chịu áp lực quá lớn trong việc học tập dẫn đến trầm cảm, thậm chí có cháu tự vẫn thì anh chị tôi mới ngồi im vẻ suy nghĩ và lo lắng. Có lẽ anh chị đã hiểu ra được phần nào sai lầm của mình và tôi hy vọng mọi sự sẽ thay đổi tích cực từ ngày hôm nay.
TRẦN THUỲ LINH