Những đội quân lính đánh thuê trỗi dậy ở châu Phi
Tin tức - Ngày đăng : 08:07, 17/04/2022
Lực lượng đánh thuê bảo vệ các nhà lãnh đạo châu Phi nhiều ảnh hưởng và tài sản của họ, đảm bảo an ninh cho các dự án đầu tư nước ngoài và can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ châu Phi mà chẳng cần tính đến thiệt hại.
Theo tờ DW (Đức), các công ty quân sự tư nhân nước ngoài đang được triển khai tại ngày càng nhiều các quốc gia bị khủng hoảng ở châu Phi. Nhưng nhiều lính đánh thuê không ngại phạm các tội ác và vi phạm nhân quyền - theo một nghiên cứu được công bố gần đây của Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh (GRIP) - một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Brussels.
"Các công ty quân sự tư nhân đã gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của họ ở nhiều nước châu Phi trong vài năm qua", Amandine Dusoulier, tác giả nghiên cứu của GRIP, nói với DW.
Bà Dusoulier cảnh báo rằng ở một số quốc gia châu Phi, các nhóm lính đánh thuê đã trở thành một kiểu nhà nước trong nhà nước, thậm chí đe dọa cả chủ quyền của các quốc gia đó.
Những sứ mạng đánh thuê "bóng tối"
Rất khó để ước tính số lượng lính đánh thuê hoạt động trên lục địa châu Phi. Chuyên gia Jade Andrzejewski thuộc Đài Quan sát Quốc tế Pháp, OERI, cho biết nhiều công ty trong số này hoạt động trong bóng tối.
"Không có thông tin chi tiết về các công ty quân sự tư nhân hoạt động trên phạm vi quốc tế", ông Andrzejewski nói và cho biết thêm rằng các công ty này thường làm ăn không chính thức và ngụy trang cho các hoạt động thực của họ.
Theo nghiên cứu của GRIP được công bố vào tháng 3.2022, nhóm lính đánh thuê của Wagner Group, được cho là đang làm việc ở Libya, Mozambique, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Mali, đang là đối tượng chính bị chỉ trích. Ngoài ra, các công ty quân sự và an ninh tư nhân khác - bao gồm cả các công ty từ Mỹ và Tây Âu - cũng hoạt động ở châu Phi và không phải lúc nào cũng coi trọng nhân quyền.
Lo ngại của Liên hợp quốc
Tháng 9 năm ngoái, một nhóm công tác của Liên hợp quốc (LHQ) đã bày tỏ quan ngại về "sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà cung cấp quân sự và an ninh tư nhân trong các hoạt động nhân đạo". LHQ kêu gọi xây dựng một "khuôn khổ pháp lý quốc tế ràng buộc" cho các công ty an ninh tư nhân.
Trong báo cáo của mình, nhóm công tác của LHQ nhắc lại những vi phạm nhân quyền trong quá khứ của các công ty quân sự tư nhân ở nhiều khu vực trên thế giới.
Ví dụ, vào năm 2007, lực lượng bảo vệ của công ty an ninh tư nhân Blackwater (Mỹ) đã xả súng bừa bãi vào dân thường Iraq và giết chết 14 người, trong đó có cả trẻ em.
Những hành động tàn bạo này đã gây phản ứng trên khắp thế giới. Nhóm công tác của Liên hợp quốc cũng cho biết, những hành động tàn bạo tương tự vẫn đang diễn ra, đặc biệt là ở châu Phi.
"Tại châu Phi, hoạt động của lính đánh thuê tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết khi báo cáo của nhóm công tác được công bố.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat cũng nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh ngăn chặn hoạt động vi phạm của lính đánh thuê phải được nhìn nhận trong bối cảnh thúc đẩy hòa bình và an ninh ở "lục địa đen".
Theo tài liệu của Liên hợp quốc, danh sách cáo buộc chống lại các công ty an ninh tư nhân kéo dài: Lính đánh thuê thuộc Wagner Group đã nhiều lần vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với dân thường ở Cộng hòa Trung Phi, và những nơi khác.
Nhóm Dyck Advisory (DAG) cũng là đối tượng xem xét của nhóm công tác LHQ. Chính phủ Mozambique đã thuê công ty an ninh Nam Phi này để ngăn chặn bạo lực của nhóm thánh chiến Al-Shabaab ở Cabo Delgado, miền bắc đất nước. Nhưng thay vào đó, nhóm công tác LHQ nói rằng các tay súng DAG đã giết hại dân thường một cách bừa bãi vào tháng 6.2020 và không phân biệt mục tiêu dân sự - quân sự.
Các công ty của Mỹ như CACI và Academi là những công ty quân sự tư nhân nổi bật nhất hiện nay trên lục địa châu Phi, bên cạnh Wagner Group của Nga.
Ngoài ra, công ty Secopex của Pháp, Dịch vụ Quốc phòng Aegis của Anh và G4S cũng đang hoạt động ở châu Phi. Tại đây còn có những công ty khác như Omega từ Ukraine, Dyck Advisory của Nam Phi và Xeless từ Đức. Công ty an ninh tư nhân Asgaard của Đức chủ yếu tuyển dụng các cựu binh sĩ và cảnh sát Đức cho các nhiệm vụ an ninh. Công ty này chủ yếu hoạt động ở Sudan, Libya, Mauritania và Ai Cập.
Nhà nghiên cứu Dusoulier của GRIP cho biết ngành công nghiệp an ninh tư nhân có lịch sử lâu đời ở lục địa châu Phi, đặc biệt ở những nơi như Sahel, Mali hay Cộng hòa Trung Phi.
"Tình trạng này được thúc đẩy bởi hai yếu tố: sự yếu kém của thể chế chính phủ ở một số quốc gia và sự giàu có tài nguyên khoáng sản của lục địa", ông Dusoulier chỉ ra nguyên nhân.
Chuyên gia Jade Andrzejewski tại OERI cho biết hầu hết các công ty đánh thuê đều che giấu hoạt động của họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi vào đầu tháng 2, ủy viên Liên minh châu Phi về các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh, Bankole Adeoye, người Nigeria, đã kêu gọi "loại trừ hoàn toàn lính đánh thuê khỏi lục địa châu Phi."
Theo Báo Tin tức