"Điểm đen" kênh T5

Môi trường - Ngày đăng : 15:06, 17/04/2022

Là kênh tiêu chính và hỗ trợ tưới cho nhiều địa phương ở huyện Cẩm Giàng nhưng kênh T5 vừa bị ô nhiễm nguồn nước, vừa đang bị lấn chiếm gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng.


 Kênh T5 qua thị trấn Cẩm Giang bị lấn chiếm, ô nhiễm, bồi lắng

Hơn 8 sào ruộng của nhà bà Nguyễn Thị Hiệp ở thôn Kinh Nguyên, xã Thạch Lỗi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tưới từ kênh T5 nên bà rất lo ngại khi tuyến kênh bị ô nhiễm. Nhiều thời điểm, nước đen đục vào đúng đợt tưới dưỡng cho cây trồng. Dù biết sẽ ảnh hưởng nhưng bà đành chấp nhận lấy nước vì không còn lựa chọn nào khác. Theo bà Hiệp, nước càng cạn thì dòng kênh càng ô nhiễm. Rác thải cũng ngập mặt kênh ở nhiều đoạn. Người dân còn tận dụng lòng kênh làm nơi nuôi vịt khiến bờ kênh bị sạt lở. Mặt kênh còn ngổn ngang đăng đó, lưới chắn cản trở dòng chảy.

Kênh T5 là kênh tiêu của trạm bơm Văn Thai (xã Cẩm Văn) dài gần 6,5 km. Kênh có nhiệm vụ dẫn nước tiêu cho 1.030 ha lúa, rau màu ở các xã Thạch Lỗi, Định Sơn, Cẩm Hoàng và thị trấn Cẩm Giang của huyện Cẩm Giàng. Ngoài ra, tuyến kênh này còn cung cấp nước tưới cho 85 ha ở xã Thạch Lỗi, thị trấn Cẩm Giang thông qua các trạm bơm Bắc Thạch, Quán Dương, Ông Tân, Thạch Lỗi, Kim Giang C và Cẩm Giàng. Vì là kênh tưới tiêu kết hợp nên ô nhiễm nguồn nước sẽ làm gián đoạn hoạt động tưới, ảnh hưởng tới mùa vụ.

Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, kênh T5 tiếp nhận nguồn nước từ sông Bùi thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải nên phụ thuộc vào chất lượng nước sông, trong khi đó nước ở khu vực này thường xuyên không bảo đảm. Bên cạnh đó, việc xả thải trực tiếp không kiểm soát từ các điểm dân cư cũng là nguyên nhân khiến dòng kênh ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm ở tuyến kênh này cũng không theo quy luật nào nên việc xử lý bị động, khó khăn hơn. Ngoài ô nhiễm, kênh T5 có nhiều đoạn bị bồi lắng lâu năm, nhất là đoạn qua thị trấn Cẩm Giang nên không thể dẫn nước tưới tiêu.


Người dân xã Cẩm Hoàng cơi nới, xây dựng công trình kiên cố vào lòng kênh T5

Không những là "điểm đen" về ô nhiễm, kênh T5 còn là "điểm nóng" về những vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ kênh và lòng kênh. Dọc tuyến kênh qua xã Cẩm Hoàng, thị trấn Cẩm Giang, người dân ngang nhiên cơi nới từ 3-5 m vào lòng kênh, xây dựng công trình kiên cố. Hành vi này gây khó khăn cho việc đưa máy móc nạo vét lòng kênh khiến việc chống úng, chống hạn không thể kịp thời. Tại xã Cẩm Hoàng có tới 99 trường hợp vi phạm như trên đã diễn ra từ lâu nhưng cả chính quyền và cơ quan chuyên môn đều "bó tay" trong việc xử lý. Công trình vi phạm san sát, được làm bằng bê tông, sắt thép kiên cố như nuốt chửng dòng kênh bao năm nay vẫn tồn tại. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng cho biết những vi phạm này do lịch sử để lại. Người dân được cấp đất từ những năm 90 của thế kỷ trước, mặt bám đường rộng 5 m nhưng chỉ sâu 3 m. Vì thế trong quá trình xây dựng đã cơi nới, lấn chiếm lòng kênh. Vi phạm này khó giải tỏa vì cần nguồn kinh phí lớn. Với trường hợp vi phạm cũ, xã cũng đề xuất cơ chế để quản lý, giám sát khi không khắc phục được triệt để. Còn từ năm 2020 đến nay, địa phương quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm mới phát sinh, kiên quyết giải tỏa ngay từ đầu để tránh sự đã rồi.

Kênh T5 có vai trò quan trọng bảo đảm tưới tiêu cho diện tích lớn đất nông nghiệp của huyện. Tuyến kênh này đang phải gánh chịu những hệ lụy. Vì lợi ích trước mắt mà dòng kênh bị xâm phạm nghiêm trọng, làm giảm tuổi thọ công trình và ảnh hưởng tới năng lực tưới tiêu. Bờ kênh bị xâm phạm, lòng kênh bị tận dụng khiến kênh T5 trở nên nhếch nhác. Những vi phạm tại kênh này rất phức tạp nên không có biện pháp xử lý hiệu quả. Theo ông Bùi Quang Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, thời gian qua do làm tốt công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát nên vi phạm mới trên tuyến kênh này đã ít hơn song việc xử lý vi phạm cũ rất nan giải. Chất lượng nước tưới cũng là vấn đề lớn cần sớm có giải pháp khắc phục. Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành thì kênh T5 mới được giải tỏa, phát huy năng lực tưới tiêu và bảo đảm chất lượng nước.

 DŨNG CƯỜNG