Hoa khôi Ánh Ngọc làm đẹp cho đời

Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 07:37, 18/04/2022

Là “ngọn nến cong 2 lần”, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Hoa khôi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" đầu tiên ở Việt Nam vẫn nỗ lực vươn lên từng ngày để hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật.


Nụ cười luôn bừng sáng trên gương mặt hoa khôi khuyết tật đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Ngọc

“Ngọn nến cong 2 lần”

Năm 1992, khi sinh ra chị Ánh Ngọc (phường Minh Tân, Kinh Môn) đã bị cong vẹo cột sống bẩm sinh. Đến 9 tháng tuổi, sau khi được gia đình đưa đi khám, chị phải mặc áo nẹp chỉnh hình rất đau đớn. Mười mấy năm trời chịu đựng đau đớn, chị vẫn bền bỉ học tập, năm nào cũng là học sinh giỏi. Đến năm học lớp 8, gia đình đưa chị đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) phẫu thuật nắn chỉnh cột sống. Tưởng rằng may mắn sẽ mỉm cười, vì tỷ lệ thất bại của các ca phẫu thuật này trên thế giới chỉ có 1/2.000 trường hợp. Tuy nhiên, chị Ngọc lại là trường hợp còn lại. Nỗi đau chồng nỗi đau khi sau ca phẫu thuật, chị bị tổn thương cột sống, liệt từ thắt lưng trở xuống.

Dù vậy cô nữ sinh 14 tuổi nhỏ bé ấy không chịu đầu hàng mà tiếp tục nỗ lực học tập. Với mong ước có thể trợ giúp những người khuyết tật (NKT) như mình, chị trở thành sinh viên Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Năm 2013, đang là sinh viên năm thứ 3, chị tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” được tổ chức lần đầu ở Việt Nam. Cuộc thi do Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội phối hợp tổ chức. Vượt qua gần 70 thí sinh, chị được lựa chọn vào vòng chung kết với 5 người khác. Với câu hỏi ứng xử “Ngọn nến cũng có ngọn nến cong và ngọn nến thẳng, bạn suy nghĩ và giải thích như thế nào về nội dung câu hỏi này?”, chị đã giành trọn tình cảm của Ban Giám khảo và khán giả khi ví mình là “ngọn nến cong 2 lần”. Và khẳng định: “Số phận đã khiến tôi trở thành một ngọn nến cong nhưng ngọn nến cong đó giờ đang trưởng thành và sẽ tỏa sáng”. Với câu trả lời xuất sắc này, chị đăng quang cuộc thi, trở thành hoa khôi cuộc thi.

Tỏa sáng

Bước ra từ cuộc thi, chị Ngọc có điều kiện tiếp cận nhiều cơ hội mới trong cuộc sống, thực hiện mơ ước được tiếp tục hỗ trợ NKT. Sau khi tốt nghiệp, chị sống và làm việc tại TP Hà Nội và công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC). Đây là một tổ chức phi chính phủ địa phương ra đời năm 2011 của NKT, làm việc vì NKT Việt Nam, hỗ trợ NKT và những nhóm yếu thế khác. Chị Ngọc hiện công tác tại 2/4 ban của viện là tài chính- hành chính-nhân sự và truyền thông-gây quỹ. Chị từng điều phối Best Buddies Việt Nam, một trong những chương trình hỗ trợ các bạn khuyết tật trí tuệ hoặc khuyết tật phát triển hòa nhập cộng đồng thông qua trải nghiệm, giao lưu, vui chơi, học tập của các đôi bạn. Chị Phùng Thị Châu Loan, phụ huynh trẻ khuyết tật Đỗ Hoàng Hải ở TP Hà Nội cho biết: “Lúc đầu con rất sợ hãi, không làm chủ được mình. Tuy nhiên bằng sự vui vẻ, kiên trì kèm cặp chỉ bảo của các anh chị, sau một thời gian tham gia chương trình con đã biết giao tiếp hơn, kiểm soát được hành vi của mình hơn, khi mình nói con sai thì con hiểu và biết dừng lại”.

Do bị liệt nửa người nên trong cuộc sống chị Ngọc phải rất cẩn trọng để không bị thương, nhất là ở đôi chân vì chỉ cần có 1 vết xước chị có thể bị nhiễm trùng gây ra hoại tử. Dù vậy, chị vẫn bền bỉ nỗ lực trợ giúp NKT. Nơi làm việc cách nhà khoảng 3 km, chị tự lái xe máy điện 3 bánh đi làm. Với công việc chính là hỗ trợ NKT, ACDC phải tổ chức nhiều chương trình, dự án vào dịp cuối tuần, lễ, Tết để NKT có thể tham gia, vì vậy chị luôn bận rộn vào cả ngày nghỉ. “Được hỗ trợ cho NKT với tôi là hạnh phúc nên tôi luôn cảm thấy những hy sinh, nỗ lực mình bỏ ra là xứng đáng”, chị Ngọc tâm sự.

Ngoài trực tiếp điều phối một số dự án, công việc hiện nay của chị là “góp 1 viên gạch” trong thành công của các dự án, chương trình do ACDC thực hiện. Những năm qua, ACDC đã góp phần thay đổi nhận thức về NKT cho hàng chục nghìn người, thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ NKT cho hơn chục nghìn lượt người, triển khai nhiều mô hình dịch vụ tư vấn pháp luật, tiếp cận, giáo dục, sinh kế, công nghệ thông tin…

Hiện chị đang có cuộc sống hạnh phúc cùng chồng. Chuyện tình yêu của hai vợ chồng chị được nhiều người ví như cổ tích. Tình yêu của anh dành cho chị là sự chăm sóc kỹ lưỡng. Hằng ngày, anh làm hầu hết các công việc nhà cũng như hỗ trợ chị trong mọi sinh hoạt. "Anh từng nói có thể tôi không phải vợ đảm, dâu hiền giống như bao cô gái khác, nhưng ngược lại anh tìm được sự bình yên, ấm áp khi ở bên tôi. Tôi chỉ có thể nói cảm ơn anh đã đến bên đời em”.

VIỆT QUỲNH