“Tỏa sáng nghị lực Việt” kết nối thanh niên khuyết tật với doanh nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 11:30, 18/04/2022
Bà Nguyễn Thanh Mai, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em tặng quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn
Chương trình có sự tham gia của gần 80 hội viên Hội Người khuyết tật, Câu lạc bộ TNKT tỉnh và gương TNKT tiêu biểu trong tỉnh. Một số TNKT đã nêu khó khăn cũng như nguyện vọng được hỗ trợ. Anh Lê Văn Triệu (sinh năm 2000) ở khu dân cư Trại Xanh, phường Duy Tân (Kinh Môn) bị khoèo tay trái sau 1 trận sốt năm 4 tuổi. Từ đó đến nay, tay trái anh co quắp, không làm được việc gì. Anh đang ở với bố và dì (bố mẹ anh chia tay nhiều năm nay). Bố và dì có 3 người con chung, thuộc hộ cận nghèo. Sau khi học hết THCS, anh nghỉ ở nhà nhưng chưa đi làm. “Tôi muốn tìm kiếm việc làm để tự chủ trong cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình”, anh Triệu nói.
Cũng như anh Triệu, sinh ra là người bình thường nhưng sau 1 trận sốt năm 2 tuổi, anh Hồ Đình Tài ở thôn Minh Tân, xã Quang Minh (Gia Lộc) bị liệt chân và tay trái. Vượt lên nghịch cảnh, đến nay, anh là chủ một công ty quảng cáo, nhiều năm nay tạo việc làm cho từ 8-15 lao động thời vụ với thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Sau khoảng thời gian lao đao vì dịch bệnh, công ty anh đã chuyển sang mảng sản xuất các sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch nhưng nguồn vốn hạn hẹp khiến anh gặp không ít khó khăn. “Tôi mong được quan tâm vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, tạo công việc cho người lao động địa phương”, anh Tài chia sẻ.
Giao lưu với thanh niên khuyết tật
Còn anh Nguyễn Việt Hà (sinh năm 1989) ở phường Hiệp Sơn (Kinh Môn) bị tai nạn giao thông năm 2008. Mất đi đôi chân nhưng anh không hề mất đi nghị lực sống. Cách đây 6 năm, anh đã học nghề sửa chữa điện thoại di động, đến nay đã có một cửa hàng điện thoại di động của riêng mình. Anh cũng đang dạy nghề sửa chữa điện thoại di động cho một số TNKT. “Tôi muốn được quan tâm kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng quy mô dạy nghề cho TNKT nhằm giúp đỡ họ ổn định cuộc sống”, anh Hà nói.
Ngay tại chương trình, anh Triệu đã được Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Gafo (Thanh Hà) nhận vào làm việc. Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc công ty cho biết: "Với sự phát triển của internet hiện nay, TNKT có thể tham gia nhiều công việc như tạo content (nội dung), sản xuất video, kinh doanh trực tuyến… Yếu chân thì làm bằng tay, yếu chân tay thì làm bằng đầu óc, miễn là chăm chỉ, ham học hỏi, TNKT có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình bằng sức lực của mình”.
Tỉnh đoàn trao bằng khen cho các thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022
Chương trình cũng ghi nhận chia sẻ của một số doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công, doanh nhân quan tâm chăm lo đời sống người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội… Các ý kiến đều tư vấn TNKT có thể hướng tới nhiều công việc như làm content, thiết kế hình ảnh, thiết kế nội thất, kinh doanh trực tuyến, làm tư vấn viên, tham gia sản xuất trong những dây chuyền phù hợp…
Chị Dương Thị Hương Giang, Trưởng Ban Phong trào (Tỉnh đoàn) cho biết thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025”, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hình thức động viên, khích lệ thanh niên như tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi tỉnh Hải Dương”, phát động “Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020”, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”… Trong đó chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên khuyết tật đã được thực hiện từ những năm trước. Thực tế TNKT đang gặp một số khó khăn như chưa tiếp cận được công nghệ, vốn vay do vướng mắc về mặt thủ tục. Qua những ý kiến ghi nhận từ chương trình, ban sẽ tham mưu với Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh để tìm hướng hỗ trợ TNKT về việc làm, đào tạo nghề, tháo gỡ về vay vốn, công nghệ, đăng ký, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…
VIỆT QUỲNH