Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Liệu có "địa chấn chính trị"?
Bình luận - Ngày đăng : 08:58, 21/04/2022
Cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất giữa hai ứng viên đang dẫn đầu diễn ra vào lúc 21h tối 20.4 theo giờ địa phương (tức 2h sáng 21.4, giờ Việt Nam) thu hút hàng triệu khán giả. Sự kiện này đã trở thành một truyền thống chính trị ở Pháp kể từ năm 1974.
Cơ hội đang chia đều
Bà Le Pen cam kết chuẩn bị tốt hơn cho cuộc tranh luận lần này, sau lần tranh luận năm 2017 mà theo bà là "thất bại lớn nhất" trong sự nghiệp chính trị của mình. Đối với bà Le Pen, cuộc tranh luận ngày 20.4 là cơ hội cuối cùng để giành thêm ủng hộ. Bởi các cuộc thăm dò dư luận dự đoán ông Macron sẽ dẫn trước thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận quốc gia khoảng 10 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử vòng 2.
Theo hãng tin Reuters, ba cuộc thăm dò cho vòng bỏ phiếu thứ hai cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Macron đang ở mức cao nhất kể từ trước thềm vòng bỏ phiếu đầu tiên (hôm 10.4), với mức trung bình 55,83%, tăng hơn 1 điểm phần trăm so với hôm 15.4 và hơn 3 điểm phần trăm so với mức trung bình tỷ lệ ủng hộ của năm cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử vòng 1.
Ông Macron đã giành chiến thắng với 66,1% số phiếu bầu hồi năm 2017, khi đó ông cũng đối đầu với bà Le Pen. Tuy nhiên, cuộc đua năm nay khó phân thắng bại hơn khi ông Macron đang đối mặt những chỉ trích về cách quản lý đại dịch COVID-19 và các chính sách kinh tế.
Bên cạnh đó, những cử tri vẫn chưa quyết định cũng có thể sẽ làm thay đổi cục diện. Ứng viên Macron khẳng định ông không nghĩ mình đã chắc thắng và nhắc lại những "cơn địa chấn chính trị" vào năm 2016 - thời điểm người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) và người Mỹ chọn ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
Theo hãng tin AFP, các đồng minh của đương kim Tổng thống Pháp cũng cảnh báo ông không được có chút tự mãn nào trong cuộc đọ sức này. "Trận đấu vẫn chưa kết thúc và chúng tôi chắc chắn không thể kết luận liệu kết quả cuộc bầu cử này đã quyết định hay chưa", Thủ tướng Pháp Jean Castex nói với Đài phát thanh France Inter.
Trong khi đó, ông Francois Bayrou, một đồng minh khác và là lãnh đạo Đảng MoDem ủng hộ ông Macron, đánh giá: "Hiện tại, một trong hai ứng cử viên đều có thể giành chiến thắng".
Hai tương lai cho Pháp
Đài BBC nhận định ông Macron và bà Le Pen đang đề xuất hai tương lai rất khác nhau dành cho nước Pháp. Họ có những tầm nhìn khác nhau trong nhiều vấn đề như chi phí sinh hoạt, lương hưu, nhập cư và an ninh, khăn trùm đầu, cải cách bầu cử, chính sách châu Âu, chính sách với Nga và NATO, môi trường...
Khi chi phí sinh hoạt trở thành vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, bà Le Pen đã coi đó là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, bà cũng có một kế hoạch lớn khác là biến vấn đề nhà ở xã hội, việc làm và phúc lợi trở thành "ưu tiên quốc gia" cho người dân Pháp.
Trước cuộc tranh luận hôm 20.4, báo Le Monde cho biết bà Le Pen nỗ lực thể hiện là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy của Pháp và mô tả cuộc bầu cử năm nay giống như cuộc "trưng cầu ý dân" chống lại ông Macron.
Còn Tổng thống Macron lại cố gắng vận động cử tri với khẩu hiệu Nous Tous (Tất cả chúng ta). Sau 5 năm cầm quyền, ông Macron đưa ra đề nghị "đổi mới hoàn toàn" khi tìm cách thu hút cử tri từ cả cánh tả và cánh hữu.
Tất nhiên, kết quả bầu cử Pháp không chỉ ảnh hưởng tới tương lai nước Pháp mà còn tác động tới khu vực. Báo Washington Post (Mỹ) bình luận: "Châu Âu lo ngại khả năng bà Le Pen làm Tổng thống, coi đây là mối đe dọa từ bên trong". Giới chuyên gia cho rằng quan điểm hòa giải của bà Le Pen với Nga sẽ làm phức tạp những nỗ lực của châu Âu và Mỹ trong việc gây sức ép lên Matxcơva.
Lúc này cả hai ứng viên đều nỗ lực tìm kiếm thêm ủng hộ trước vòng bỏ phiếu thứ hai. Theo hãng tin AP, nhiều người Pháp, nhất là cử tri cánh tả, nói họ vẫn không biết có đi bỏ phiếu hay không.
Theo Tuổi trẻ