Nhìn lại tuần đầu tiên tiêm vaccine phòng Covid -19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:20, 22/04/2022
Trong đợt đầu triển khai, các địa phương đã ghi nhận khoảng 80 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi. Không có trường hợp nào phản ứng nghiêm trọng. Trên cơ sở này, ngành y tế tiếp tục triển khai tiêm hàng triệu liều vaccine cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi theo tiêu chí tiêm rộng nhất, nhanh nhất, đảm bảo an toàn nhất cho trẻ.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên trong đợt này có 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 sẽ tiêm trong quý II năm nay. Với 3,6 triệu trẻ còn lại đã mắc bệnh, dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7, tháng 8/2022.
Trong tuần tiêm chủng đầu tiên từ 14 đến 21/4, Bộ Y tế đã phân bổ và vận chuyển 2,3 triệu liều vaccine Moderna đến các địa phương để tiêm phòng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, bước đầu các tỉnh, thành phố đã tiêm được 95 nghìn liều.
Về vấn đề phản ứng sau tiêm trong tuần đầu tiên triển khai tiêm cho trẻ, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, đây là vaccine giảm liều so với người lớn, vì vậy, tỷ lệ phản ứng thấp hơn so với độ tuổi 12 đến dưới 18. Các phản ứng đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chủ yếu là nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi và thường khỏi sau một đến vài ngày.
"Hiện nay, trên toàn cầu đã sử dụng hàng tỷ liều, Việt Nam đã sử dụng ở đây tôi nói đến 2 loại vaccine dùng tiêm cho trẻ 5-dưới 12 tuổi cũng đã sử dụng đến gần 90 triệu liều, như vậy chúng ta sử dụng với số lượng rất lớn trên thế giới cũng như Việt Nam, chúng ta sử dụng từ ng lớn trước rồi hạ độ tuổi, cho đến 12 đến 18 tuổi, rồi giờ 5-dưới 12 tuổi, như vậy các phản ứng đối với trẻ 5-dưới 12 tuổi là phản ứng tại chỗ nhẹ và sẽ qua khỏi sau vài ngày"-GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Tại Việt Nam, có khoảng 30% phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm phòng vaccine Covid-19 do vẫn còn những lo ngại về phản ứng phụ có thể xảy ra với trẻ em, cả trước mắt và lâu dài.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, vaccine đã mang lại hiệu quả lớn qua đợt dịch vừa qua khi số ca mắc và tử vong tại Việt Nam giảm mạnh. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nếu tiêm cho lứa tuổi 5 đến dưới 12 tuổi đầy đủ sẽ phòng được 10-12% trường hợp nhập viện và tử vong của cả cộng đồng.
Với những em nhỏ đã nhiễm bệnh sau thời gian trì hoãn tiêm theo khuyến cáo của ngành y tế thì cần được tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và cộng đồng: "Những người nhiễm Omicron hoặc mắc Covid bởi chủng Omicron khi gặp phải chủng cũ hoàn toàn có thể nhiễm và bị nặng nếu chưa tiêm vaccine. Những người này khi gặp biến chủng mới khả năng phòng tránh thể nặng cũng kém hơn so với người đã tiêm, như vậy việc tiêm chủng đến giờ phút này vẫn hết sức quan trọng, và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng chúng ta vẫn cần phải tiêm vaccine. Với những người không may đã nhiễm trì hoãn, đảm bảo an toàn, ở đây chúng ta hiểu an toàn không chỉ liên quan đến mũi tiêm đó mà để tránh vấn đề liên quan đến trùng hợp, đặc biệt tình trạng Covid kéo dài hoặc hậu Covid, nó có thể ảnh hưởng đến nhận định của bác sỹ khi mà có sự cố sau tiêm xảy ra".
Dự kiến trong tuần tiếp theo của chiến dịch tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tổ chức tiêm cho trẻ trên diện rộng. Việc hoàn thành tiêm chủng cho gần 12 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ giúp các em trở lại trường học, tham gia các hoạt động xã hội và tăng cường miễn dịch cho cả cộng đồng.
Theo VOV