Lão nông làm lược tinh tế
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:30, 23/04/2022
Ông Nhữ Đình Nam làm lược đẹp nổi tiếng ở làng nghề lược Vạc
Sản phẩm nghệ thuật độc đáo
Lược hai mền là chiếc lược có hai đầu, một đầu răng khít để chải chấy, còn đầu kia răng thưa để chải tóc. Đây là chiếc lược đòi hỏi độ tỉ mỉ và kỹ thuật cao nhất với người làm lược nhưng cũng không làm khó được ông Nam. Trước đây, nhiều người Nhật Bản thích mua loại lược này nhưng tầm 5 năm trở lại đây, không còn ai đặt ông Nam làm loại lược này nữa.
Người dân làm lược ở làng Vạc thường chỉ làm lược thô sơ rồi bán nhưng ông Nam thì mày mò, tỉ mỉ và làm tới 7 loại lược bí khác nhau. Những chiếc lược ông làm ra màu sắc đẹp, chữ in mềm mại, rõ nét. Sống lược được ông Nam tự tay tô mỗi bên một màu sơn để sản phẩm thêm phần đẹp mắt. Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của ông Nam, những bó tre nứa thô kệch từ rừng ở Hòa Bình chuyển về nhanh chóng trở thành những răng lược nhẵn nhụi, mịn màng. Tre nứa khi tỉa xong mềm mại là thế nhưng khi được ông Nam vắt vào thành răng lược thì lại cứng cỏi, chắc chắn. Tay ông Nam cứ thoăn thoắt vắt bên này rồi lại qua bên kia sống lược, sợi tre mềm mại linh hoạt y như là sợi chỉ. Đôi bàn tay của người thợ ở tuổi 63 vẫn rất rắn rỏi, khi cần cứng thì tay siết chặt lại mà khi cần mềm mại thì lại duỗi ra linh hoạt.
Ông Nam mất hơn 40 công đoạn mới làm ra được chiếc lược đẹp ưng ý. Ông tỉa răng, đánh răng lược kỹ nên lược của ông sờ vào rất mịn, chải lên đầu bon tay, mượt tóc. Làm lược chải được cả trứng chấy rất khó, răng lược phải khin khít vào nhau để tách được trứng ra khỏi tóc, mà không làm tóc bị rối. Những chiếc lược chưa ưng ý ông sẽ không bán.
Sinh ra ở làng nghề lược Vạc, ông Nam được tiếp xúc với việc làm lược từ bé và cũng không nhớ bắt đầu làm lược từ khi nào. Trăn trở tình yêu với nghề truyền thống, ông không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm đa dạng hơn chiếc lược bí của làng Vạc. Đến tận bây giờ, ông Nam vẫn chủ yếu tự tay làm tới 90% số công đoạn, chỉ dùng máy lúc mài răng lược. Máy làm xong ông cũng chưa yên tâm mà phải tự tay chỉnh lại cho thật mịn mới thôi. Hai đầu lược ông để miếng xương trâu trang trí trắng bóc, thoạt nhìn qua giống ngà voi rất đẹp. Nhờ sự chau chuốt, tỉ mẩn khi gửi gắm tâm huyết vào từng chiếc lược nên sản phẩm của ông Nam nổi tiếng. Làng Vạc hiện có khoảng 200 hộ làm lược nhưng chẳng mấy ai làm đẹp mà bán được giá cao lại đắt khách như ông Nam. Nhiều người khen chiếc lược của ông Nam không đơn thuần chỉ là một dụng cụ sinh hoạt thông thường mà trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Người làm ra chiếc lược ấy cũng tinh tế như một nghệ nhân.
Nỗi lo thất truyền
Mỗi tháng ông Nam làm ra khoảng 500 chiếc lược, giá bán từ 20.000-40.000 đồng/chiếc tùy từng loại. Cả cuộc đời ông gắn bó với nghề làm lược. Những chiếc lược đã nuôi sống cả gia đình ông và nuôi hai con ông ăn học nhưng bây giờ các con, các cháu ông ngại học làm lược lắm. Ông lo sau này không còn ai giữ nghề nữa. "Làm lược là một việc khó. Nó đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ mà thanh niên bây giờ phần nhiều lại thích sự năng động, ngại công việc ngồi lâu một chỗ. Tôi cũng tiếc nuối lắm nhưng nếu không yêu nghề thì không thể làm ra được những chiếc lược đẹp", ông Nam chia sẻ.
Hồi ông Nam còn nhỏ, cả nhà cùng quây quần bên nhau làm lược cả ngày, vừa làm vừa nghe đài phát thanh rồi nói chuyện rất vui. Lúc ấy, thu nhập từ nghề làm lược đã nuôi sống hầu hết người dân làng Vạc. Sản phẩm lược tre của làng Vạc nổi tiếng, được tiêu thụ khắp cả nước và xuất sang Campuchia. Giờ đây, rất ít người trẻ theo nghề, chỉ có những lão nông còn đắm đuối nghề truyền thống như ông Nam là gắn bó.
Đời sống ngày càng phát triển, môi trường sinh sống của con người sạch sẽ hơn, không nhiều chấy như ngày xưa cộng thêm sự ra đời của các loại dầu gội, thuốc trị chấy khiến lược Vạc lao đao. Cứ thế, chỗ đứng của lược Vạc trên thị trường ngày càng thu hẹp. Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người tìm đến mua lược của ông Nam càng ít.
Khách hàng của ông bây giờ chủ yếu là một số bạn hàng lâu năm và bán cho người dân mua làm quà kỷ niệm. Nhiều người trong làng vì ngưỡng mộ sự tinh tế trong những chiếc lược ông Nam làm ra cũng đến mua đôi ba chiếc về trưng bày trong tủ. Họ sợ rằng khi ông Nam không làm lược nữa thì sẽ không còn ai làm được những chiếc lược tinh tế như thế.
PHẠM TUYẾT