Tình sâu, nghĩa nặng dành tặng vợ

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:45, 24/04/2022

Hồ Dzếnh không phải là nhà thơ đầu tiên làm thơ tặng vợ, trong kho tàng thi ca Việt Nam, có rất nhiều bài thơ viết về chủ đề này.

Bài thơ tặng vợ

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời

Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau 
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!

HỒ DZẾNH

Hồ Dzếnh không phải là nhà thơ đầu tiên làm thơ tặng vợ, trong kho tàng thi ca Việt Nam, có rất nhiều bài thơ viết về chủ đề này. Tuy nhiên, đọc “Bài thơ tặng vợ” của Hồ Dzếnh ta vẫn thấy mới mẻ và có một sức hút lạ lùng, bởi lời thơ nhẹ nhàng, lắng đọng mà ý tứ sâu xa. Đó chính là sự xúc động sâu sắc trước tình cảm, sự yêu thương và tấm lòng vị tha của người vợ mà ông- một thi nhân, vô cùng biết ơn và cảm phục.

Bài thơ ngắn gọn súc tích, chỉ có 4 cặp lục bát nhưng vừa gói được những niềm trân quý nhất của ông đối với vợ, vừa làm sáng đẹp sự tảo tần, đảm đang, chịu đựng, hy sinh lớn lao của người vợ. Chắc hẳn, phải có một đời sống vợ chồng hạnh phúc, viên mãn đến thế nào, nhà thơ mới “rút ruột” thành những vần thơ rưng rưng đến vậy?

Hai câu thơ mở đầu: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời” đã nói được tầm quan trọng của vợ, hay nói khác đi, đó là sự cảm phục và đánh giá rất cao của ông đối với vợ. Vợ ông một lúc “sắm” trọn cả 4 vai: đảm đang, tháo vát, chịu đựng của người chị; nũng nịu, dễ thương, luôn biết vâng lời của người em; dịu dàng, chu đáo, giàu lòng vị tha của người mẹ; thủy chung, nhân hậu, yêu chồng, thương con nhất mực của người bạn đời. Cách dùng từ của tác giả, "tấm lòng" dành cho vợ, "trái tim" cho bạn đời thật là chuẩn xác.

Cặp lục bát tiếp theo: “Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?", 2 câu thơ đọc lên nghe thật bâng khuâng, xúc động, sống mũi cay cay. Vì sao vậy? Rõ ràng đây là lo lắng thông thường của những người có tuổi, thể hiện sự lo xa, lường trước cái giây phút “chia đôi” có thể đến bất cứ lúc nào. Bởi lẽ cuộc đời thật vô thường, thế nên không biết trước được điều gì, kể cả cái chết. Sự lo xa của ông về giây phút âm dương cách trở, thật ra là sự chuẩn bị về tâm lý cần thiết của tuổi già. Nhưng đúng hơn, đó là lý do để ông nhận về mình phần việc đầy ân nghĩa là được “tiễn” bà, ông mong sẽ “đi” sau bà, để ông được làm tròn bổn phận “tiễn” bà về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bởi “Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”. Hơn ai hết, nhà thơ là người hiểu rõ nhất nỗi vất vả, thương đau của vợ, chỉ bằng một câu thơ “Xót mình đã lắm thương đau” mà những đau khổ trong cuộc đời người vợ đã thấm đẫm từng câu chữ. Những khổ đau ấy, ông tự thấy mình phải có trách nhiệm đền đáp, có thể là muộn nhưng vẫn còn hơn không. Thế nên, ông nguyện làm cái việc đầy khó khăn, nhưng ân tình, ân nghĩa: “Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”, động từ “đỡ” trong câu thơ được tác giả dùng thật khéo và chính xác, không có gì là kể lể, lên gân mà rất tự nhiên như tấm lòng và tình cảm mến thương ông dành cho vợ. Ở đây, tác giả không dùng từ “giúp”, hay “hộ” mà dùng từ “đỡ”, một cách chủ động, nghe thật dịu dàng, âu yếm, vừa thể hiện tấm lòng biết ơn của ông đối với vợ, vừa toát lên tình cảm, trách nhiệm, chỉ mong được bù đắp cho bà phần nào. Là người chịu ơn, ông muốn giành lấy phần “đi” sau để trọn tình trọn nghĩa với bà, mong trả nghĩa phần nào cho bà. 

Hai câu thơ cuối “Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!”. “Phù sinh” có nghĩa là đời người được coi là vô định, bồng bềnh phiêu dạt và ngắn ngủi không nghĩa lý gì, đây là một quan niệm đầy bi quan của người yếm thế, vậy nên tác giả dùng lối nói phủ định để khẳng định những điều tốt đẹp sẽ còn mãi với đời. Cả bài thơ đại từ “mình” được lặp lại 3 lần, là cách xưng hô thân mật, gần gũi, âu yếm của cặp vợ chồng già. Bài thơ không ghi xuất xứ, nhưng theo nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thì Hồ Dzếnh làm bài thơ này “khi ở tuổi 69 hay 70 gì đó. Cái tuổi thấy thời gian phía trước không còn là bao nhiêu, ngoái lại phía sau thấy mình còn nợ nần bao nhiêu ân nghĩa”. "Bài thơ tặng vợ" của Hồ Dzếnh ngắn gọn, từ ngữ giản dị, dễ hiểu, mang đậm tính nhân văn, nhưng sức nặng của nó nằm ở ngoài câu chữ.

NGUYỄN THỊ BÌNH