Bí ẩn thân thế, sự nghiệp Lãnh binh Phạm Xuân Quang
Danh nhân - Ngày đăng : 08:39, 25/04/2022
Mộ Lãnh binh Phạm Xuân Quang tại khu vực vườn Cừ, thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh (Tứ Kỳ)
Vị tướng tài
Trong gia phả dòng họ Phạm Xuân, Lãnh binh Phạm Xuân Quang (chưa rõ năm sinh, mất năm 1863) là con thứ 2 trong số 5 người con của cụ tổ chi V, ngành II, thuộc đời thứ 8.
Theo sử sách, Lãnh binh Phạm Xuân Quang là một vị tướng tài, có nhiều đóng góp trong các cuộc chiến chống “giặc cỏ”. Sách "Đại Nam thực lục", tập 7, do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007, Viện Sử học dịch có ghi: "... thuyền của giặc từ hòn đảo ngoài biển vào xã Phù Lưu (thuộc Quảng Yên), Phó Lãnh binh Trần Xuân Quang đánh giết, giặc phải lui... Ngày hôm sau, giặc lại tiến đến sấn vào đồn ngoài ở bờ đê cố đánh. Quan quân bị vỡ, Xuân Quang liền chạy vào đồn trong, đốc quân dõng chặn bắn, lại bắn chìm thuyền giặc 4 chiếc, bắn chết lính dõng người nước Thanh hơn 100 tên". Cũng trong cuốn sách trên còn ghi: "… Khi ấy, bọn giặc Minh, giặc Nho dùng tàu của Tây dương (2 chiếc), thuyền nước Thanh (10 chiếc), thuyền của giặc (hơn 200 chiếc) vào sông Bạch Đằng liên tuần chống đánh, bắn chết Phó Lãnh binh Phạm Xuân Quang, bèn chiếm lấy lũy Nhất Tư ...".
Sau 17 năm Phó Lãnh binh Phạm Xuân Quang mất, năm Canh Thìn (1880), vua Tự Đức đã truy phong ông chức Lãnh binh, được ban thụy là Anh Mại, hàm Tam phẩm và được thờ tại đền Trung Nghĩa (tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) - nơi thờ những người có công với đất nước, hy sinh vì nghĩa lớn và được ban sắc phong. Thông tin này được sách "Đại Nam thực lục” tập 8 ghi chép: “… Gian hữu thứ nhất, một án thờ tất cả 75 người: Chánh tam phẩm (dưới cũng thế); Vệ úy (dưới cũng thế) là Vũ Văn Bình, Nguyễn Văn Hợp; Thị lang là Tôn Thất Trĩ; Lãnh binh (dưới cũng thế) là Trần Đô, Vũ Thành, Phạm Xuân Quang ... ".
Tại cuộc làm việc chiều 19.4 do Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tứ Kỳ tổ chức với sự tham gia của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, UBND xã An Thanh và dòng họ Phạm Xuân, ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, thời điểm đó Phó Lãnh binh là một chức quan khá lớn và ông có nhiều công lao diệt giặc.
Cuộc họp do Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tứ Kỳ tổ chức để làm rõ một số thông tin về Lãnh binh Phạm Xuân Quang
Cần hội thảo khoa học
Theo gia phả, sau khi Lãnh binh Phạm Xuân Quang mất, thi thể được đưa về quê nhà chôn cất ở khu vực vườn Cừ thuộc thôn Thanh Kỳ và dòng họ xây nhà thờ ở xóm Bắc Sơn, thôn Thanh Kỳ để phụng thờ. Tuy nhiên năm 1950, giặc Pháp càn quét xã An Thanh, nhà thờ, sắc phong, các đồ tế tự đã bị xâm hại và thất lạc. Sau cải cách ruộng đất (năm 1956), nhà thờ bị hạ giải hoàn toàn, đất được chia cho nhân dân làm nhà ở. Ban thờ Lãnh binh Phạm Xuân Quang được chuyển về thờ tại nhà ông Phạm Xuân Chiện (đời thứ 13).
Ông Phạm Xuân Mềm, Trưởng họ Phạm Xuân cho biết đến nay dòng họ mới rõ về thân thế, sự nghiệp của Lãnh binh Phạm Xuân Quang. Đây là niềm vinh dự của cả dòng họ. Để ghi nhớ công ơn của ông đối với đất nước, tới đây Hội đồng dòng tộc họ Phạm Xuân sẽ họp bàn để đưa ông về thờ tại nhà thờ của dòng họ. Hiện nay, mộ của ông đã được xây bằng gạch nhưng lại nằm xen lẫn với phần mộ của nhiều gia đình khác, không gian xung quanh chật chội. Đặc biệt lối đi vào phần mộ rất khó khăn.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn nữa thân thế, sự nghiệp của Lãnh binh, đặc biệt là chi tiết ghi Trần Xuân Quang tại tập 7 của sách "Đại Nam thực lục". Đây là một nhân vật lịch sử khác hay có sự nhầm lẫn trong quá trình ghi chép hoặc dịch thuật... Sau khi các vấn đề trên được sáng tỏ, trong lần tái bản lịch sử địa phương sau này cần có ghi chép và đưa thông tin về ông vào giảng dạy trong trường học.
Trước mắt, UBND xã An Thanh và thôn Thanh Kỳ cần kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc đất tại vườn Cừ và khu vực lân cận, tuyên truyền đến các gia đình có mộ chí, các công trình khác trong khu vực cần giữ nguyên hiện trạng. Địa phương cần làm đường và biển chỉ dẫn vào khu vực mộ của ông.
Việc làm rõ thân thế, sự nghiệp và cải tạo khu vực mộ của Lãnh binh Phạm Xuân Quang là cần thiết để thế hệ con cháu trong dòng tộc cũng như người dân biết về một nhân vật lịch sử có những đóng góp nhất định cho đất nước.
THANH HÀ