Tránh phiền phức khi triển khai lắp camera

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:47, 28/04/2022

Việc lắp đặt camera đã thu hút dư luận bàn tán cả trên mạng xã hội và trong đời sống.

Mấy hôm trước, một tài khoản Facebook cá nhân đăng trên nhóm "Chợ Đông" hỏi: “Ở Hải Dương phường, khu phố nhà mọi người có bắt thu tiền lắp camera dọc khu phố, ngõ, xóm không ạ?”. Câu hỏi này đã thu hút rất nhiều lượt tương tác, bình luận. Có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí bức xúc do không được tuyên truyền, vận động đến nơi đến chốn. Tâm lý bức xúc còn do cùng là một việc huy động đóng góp để lắp camera nhưng mỗi khu phố một kiểu, có nơi chỉ kêu gọi đóng vài trăm nghìn, nhưng có nơi mức đóng lên tới tiền triệu. 

Qua tìm hiểu được biết, phường Tân Bình (TP Hải Dương) đang vận động nhân dân hưởng ứng, đóng góp xây dựng hệ thống camera giám sát trên địa bàn để tạo thuận lợi trong việc quản lý về tình hình giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị... Đây là địa phương đầu tiên của thành phố triển khai lắp đặt camera đồng bộ trong phạm vi toàn phường. Dự kiến có khoảng 300 camera được lắp đặt ở vị trí quan trọng, phạm vi giám sát tốt tại 11 khu dân cư như dọc các tuyến đường, phố chính, chợ, khu vui chơi... Trung tâm giám sát và xử lý thông tin đặt tại trụ sở Công an phường, gồm có hệ thống máy chủ, phần mềm quản lý, màn hình theo dõi... Phường phấn đấu lắp đặt, vận hành đồng bộ và bàn giao cho Công an phường quản lý trong quý II năm nay. 

Nguồn kinh phí lắp đặt huy động từ nhân dân nên phường giao các khu dân cư tổ chức vận động các hộ đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Phường đã tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc lắp đặt camera trên hệ thống truyền thanh. Các khu dân cư chủ động bàn bạc, thống nhất phương án thông qua các hình thức như họp chi bộ, tổ dân phố, tổ liên gia, gửi phiếu lấy ý kiến tới các hộ, thành lập tổ vận động. Lãnh đạo khu dân cư đại diện cho người dân trực tiếp làm việc với đơn vị thi công. Số tiền đóng góp của mỗi hộ dân từng khu được cân đối trên cơ sở số dân trong khu, vị trí lắp đặt... Do đó, mức đóng góp có sự khác nhau giữa các khu, thấp nhất là 200.000 đồng/hộ, cao khoảng 1 triệu đồng/hộ. Người dân ở các khu đô thị mới sẽ đóng góp mức cao hơn khu dân cư cũ vì mật độ dân số thấp, hạ tầng giao thông theo ô bàn cờ nên số lượng camera giám sát cần nhiều.

Việc triển khai lắp đặt camera là một trong những hoạt động góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Tới đây, không chỉ Tân Bình mà các phường, xã khác cũng sẽ triển khai thực hiện chủ trương này. Có thể khẳng định chủ trương trên là đúng và nhiều người dân đã đồng tình. Nhưng vì sao vẫn có một bộ phận người dân phản đối, thậm chí khá gay gắt? Có người bảo thu 1 triệu đồng/hộ thì tự mua về lắp cho nhanh. Có người bức xúc vì khi họ không đồng ý nộp, thay vì đến giải thích, tuyên truyền, vận động, cán bộ của khu lại tới nói rất gay gắt…

Sinh thời Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trên thực tế, việc huy động xã hội hóa đã trở thành một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… Tuy nhiên, việc thu góp, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa là một vấn đề rất nhạy cảm, nếu làm không khéo rất dễ dẫn tới những bức xúc.

Để giải quyết tình trạng này, trước hết chính quyền phường, cán bộ khu dân cư phải tăng cường thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu… của chương trình tới các hộ dân. Căn cứ vào tình hình thực tế, cán bộ khu dân cư có thể sàng lọc, tới tận nhà một số hộ tuyên truyền để họ hiểu rõ, vận động, thuyết phục họ cùng đồng thuận với chủ trương chung. Quá trình vận động, thuyết phục cần khéo léo, tuyệt đối tránh lối áp đặt chủ quan, thu tiền lấy được. Việc triển khai lắp đặt cần công khai để nhân dân cùng tham gia giám sát. Chính quyền phường hướng dẫn, giúp đỡ các khu dân cư về cách thức triển khai, giá cả, thiết bị, không phó mặc và phải chú ý phòng chống tiêu cực.

THANH CƯỜNG