Để du khách nhớ mãi về Bắc Ninh
Du lịch - Ngày đăng : 08:14, 28/04/2022
Du khách nghe giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ
Mỗi sản phẩm, quà tặng lưu niệm du lịch giống như một đại sứ văn hóa, quảng bá hình ảnh điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn. Không những làm gia tăng giá trị kinh tế cho ngành du lịch mà sản phẩm quà tặng lưu niệm còn là một trong những giải pháp giới thiệu hình ảnh của tỉnh ra bên ngoài, gợi nhắc ấn tượng sâu bền về quê hương Bắc Ninh trong mỗi du khách.
Bắc Ninh thu hút khách chủ yếu qua loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến tham quan, du khách muốn tìm quà tặng lưu niệm phù hợp, mang đặc trưng riêng của Bắc Ninh để lưu dấu ấn văn hóa và nhớ mãi về di tích, điểm đến thật không dễ... Đến từ TP Hồ Chí Minh, chị Cao Thanh Hương, một du khách tham quan chùa Dâu tâm sự: Tôi có tình cảm và ấn tượng đặc biệt với văn hóa xứ Kinh Bắc. Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều thu xếp thời gian ghé thăm các di tích lịch sử văn hóa. Nhiều lần muốn mua đồ kỷ niệm tặng đồng nghiệp, người thân nhưng để tìm được món quà ưng ý tại các điểm đến ở Bắc Ninh rất khó! Hầu hết các di tích như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích, sang cả Đền Đô... đều thấy sản phẩm quà tặng cứ na ná nhau, không có gì thực sự đặc sắc, ấn tượng.
Bắc Ninh là vùng đất cổ thâm nghiêm, giàu trầm tích, phong phú di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hàng chục làng nghề thủ công truyền thống của Bắc Ninh với hàng trăm mẫu mã từ gốm, đồng, mây tre, đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo... nếu được kết nối đưa vào bán trong các cửa hàng tại những khu du lịch có thể trở thành những quà tặng lưu niệm thu hút du khách. Hoặc các điểm du lịch trong tỉnh cũng có thể đặt hàng những sản phẩm mang nét văn hóa riêng gắn với những câu chuyện lịch sử, văn hóa của di tích, của địa phương để tạo ấn tượng bền lâu đối với du khách...
Năm 2019, Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Bắc Ninh đã tổ chức Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” với yêu cầu đặt ra là sản phẩm phản ánh được văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa danh, các biểu tượng tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm cũng phải bảo đảm tính nghệ thuật, có tính khái quát cao, sử dụng được lâu dài, tạo ấn tượng sâu sắc, không trùng lặp ý tưởng của các biểu trưng đã có ở Việt Nam hoặc trên thế giới và không được giống với sản phẩm lưu niệm ở các địa phương khác.
Ngoài ra, kiểu dáng sản phẩm phải làm sao gọn nhẹ, dễ sản xuất với số lượng lớn, màu sắc hài hòa, họa tiết rõ ràng, dễ thể hiện trong in ấn, chạm khắc, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ trên các chất liệu thông thường, ưu tiên các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường và sẵn có tại địa phương như mây, tre, gỗ, đá, gốm, sứ...
Thực tế ở Bắc Ninh nhiều năm nay, câu chuyện tìm kiếm, phát triển mở rộng thị trường quà tặng lưu niệm du lịch mang đặc trưng, phản ánh dấu ấn văn hóa vùng đất, con người Bắc Ninh luôn được quan tâm. Việc phát triển phong phú, đa dạng sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng tại các điểm đến sẽ khuyến khích khách du lịch chi tiêu nhiều hơn, tạo ấn tượng, tăng sức hấp dẫn với du khách, kích cầu du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động các làng nghề, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của mỗi địa phương. Theo các chuyên gia, muốn “đánh thức” thị trường quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch, các địa phương cần phải có chiến lược đầu tư bài bản, chuyên nghiệp từ nguồn lực trí tuệ, chất xám, khuyến khích sự sáng tạo, cho đến chiến lược kinh doanh sản xuất, phân phối, phát triển thị trường... với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Một trong những vấn đề quan trọng cần sự quan tâm của Nhà nước là cơ chế, chính sách, hỗ trợ mặt bằng, nguồn vốn, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, thu hút xã hội hóa...
V.THANH