Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước
Công nghiệp - Ngày đăng : 06:25, 29/04/2022
Khu công nghiệp Đại An mở rộng thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư . Ảnh: Thành Chung
Bên cạnh việc chú trọng đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Hải Dương đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) với kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp.
Vướng mắc từ luật
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong các năm 2020 và 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì nhiều doanh nghiệp DDI vẫn rót vốn vào Hải Dương. Năm 2021, Hải Dương chấp thuận đầu tư cho 72 dự án DDI mới với tổng vốn gần 12.800 tỷ đồng, điều chỉnh 61 dự án có tổng vốn tăng thêm 624 tỷ đồng, tương đương với năm 2020 và tăng hơn 10% so với năm 2019. Với 11 khu công nghiệp đang hoạt động; 6 khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng đang được triển khai đầu tư có quy mô 1.100 ha và 53 cụm công nghiệp rộng gần 2.700 ha, Hải Dương có điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp DDI. Ngoài ra, khu kinh tế chuyên biệt với diện tích dành cho phát triển công nghiệp hơn 5.000 ha tỉnh đang đề xuất với Chính phủ nếu được thông qua cũng sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư DDI lớn. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp DDI vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 20.4, Hải Dương mới chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký 88 tỷ đồng, chỉ bằng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 12 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng không tăng vốn. Vậy điểm nghẽn nào khiến doanh nghiệp DDI còn chần chừ khi lựa chọn Hải Dương làm bến đỗ?.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), ngoài một phần nguyên nhân do dịch Covid-19 thì vướng mắc về đất đai theo Nghị định 148 được ban hành vào tháng 12.2020 liên quan đến tỷ lệ đất công trong dự án đã làm cho không ít doanh nghiệp DDI lỡ hẹn đầu tư. Theo đó, những khu đất nhà đầu tư hướng tới, nếu có đất công, đủ điều kiện xây dựng dự án độc lập thì Nhà nước phải thu hồi đất rồi thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. Từ khi Nghị định 148 có hiệu lực (tháng 2.2021) đến nay, tỉnh vẫn chưa ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích đất do Nhà nước quản lý để tách thành dự án độc lập. Điều này gây khó khăn cho việc hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đề nghị Nhà nước giao đất. Mặt khác, cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không cho phép việc kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Việc xác định nguồn gốc đất càng kéo dài thì rủi ro của nhà đầu tư càng lớn.
Hải Dương đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước
Chủ động tháo gỡ
Khi các dự án FDI phát triển mạnh thì các doanh nghiệp DDI sẽ góp phần cân đối cơ cấu đầu tư, tránh lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Từ đó, bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ trở nên hài hoà khi có các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện đất đai, giao thông, lao động… và quy mô vốn. Vì thế, dù tích cực xúc tiến đầu tư FDI thì tỉnh cũng không bỏ qua nguồn lực lớn trong nước. Những khó khăn, vướng mắc đang được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực tháo gỡ để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Gần đây nhất, ngày 22.4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo về việc ban hành quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích đất do Nhà nước quản lý để tách thành dự án độc lập. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh rà soát, hoàn thiện, báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để sớm ban hành quy định này. Khi quy định này được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đất đai. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu khẩn trương ban hành hướng dẫn quy trình tiếp nhận, thẩm định, trình chấp thuận đầu tư dự án mới, dự án điều chỉnh và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đối với các dự án ngoài khu công nghiệp. Các quy trình, thủ tục được thực hiện công khai, minh bạch để các nhà đầu tư tham khảo, nghiên cứu rồi đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập ban chỉ đạo, tổ xúc tiến hoạt động đầu tư nhằm gỡ khó cho các dự án cụ thể.
Tỉnh cũng quy định cụ thể ngành nghề thu hút đầu tư và hạn chế đầu tư. Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng quy chế phối hợp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các bước đầu tư. Đẩy mạnh việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện đầu tư, tiết kiệm thời gian và tránh phát sinh. Coi con người là chìa khoá để mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư nên chú trọng việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ phục vụ để tạo thiện cảm với các nhà đầu tư. Tỉnh chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đáp ứng theo quy mô đầu tư của các doanh nghiệp DDI. Ngoài thu hút các doanh nghiệp mới thì Hải Dương cũng quan tâm tới việc "nuôi dưỡng" các dự án đã đầu tư bằng những chính sách gỡ khó về vốn, tín dụng và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từ đó, dần hình thành nguồn lực DDI ổn định và lớn mạnh. Với những giải pháp đồng bộ tỉnh kỳ vọng sẽ tạo được đột phá về thu hút dự án DDI trong thời gian tới.
DŨNG CƯỜNG