Khôi phục di tích đình, chùa Quan Lộc

Di tích - Ngày đăng : 15:30, 29/04/2022

Với sự vào cuộc tích cực của đảng ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, di tích đình, chùa Quan Lộc (Tứ Kỳ) đã được khôi phục, trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, văn hóa của người dân.


Đình Quan Lộc hiện nay

Gắn với các sự kiện 

Đình, chùa Quan Lộc ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động nằm trên cùng một khu đất ở giữa làng. Theo lời kể của các cụ cao niên, đình Quan Lộc được khởi dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn, làm bằng gỗ tứ thiết, kiến trúc kiểu chữ Tam gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình và 3 gian hậu cung. Các mảng họa tiết được chạm khắc theo đề tài tứ linh, tứ quý.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Quan Lộc là nơi tổ chức một số lớp bình dân học vụ cho học sinh địa phương. Giai đoạn 1960-1961, đây là nơi học tập cho học sinh của 6 xã thuộc khu hạ huyện Tứ Kỳ gồm Tiên Động, Hà Thanh, Hà Kỳ, An Thanh, Quang Trung và Nguyên Giáp. Năm 1961, 5 gian đại bái được hạ giải để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Khuôn viên đình được trưng dụng làm sân kho của HTX và tòa trung đình làm kho lương thực của huyện. Sau đó, UBND xã Tiên Động xây dựng thêm 5 gian nhà trong khuôn viên đình để làm trạm y tế xã và nơi thêu ren của HTX. Năm 1971, đình trở thành điểm tập trung của bộ đội thuộc Quân khu Tả Ngạn trước khi vào chiến trường miền Nam chiến đấu và cũng là nơi UBND xã Tiên Động tổ chức hội nghị “Toàn dân bàn việc nước”. Năm 1976, Huyện đội Tứ Kỳ tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại đây.

Chùa Quan Lộc hay còn gọi là chùa Phúc Nghiêm xây dựng từ bao giờ đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại, chỉ biết rằng khi có đình thì cũng đã có chùa và tạo nên một quần thể di tích rất đẹp. Chùa Quan Lộc xưa có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường, 2 gian thượng điện, làm bằng gỗ tứ thiết. Năm 1977, ngôi chùa bị hóa giải hoàn toàn để lấy nguyên liệu xây dựng các công trình phúc lợi địa phương. Trong những năm 1977-2005, nơi đây được sử dụng để xây trụ sở làm việc của UBND xã Tiên Động.

Ở đầu hồi đình Quan Lộc còn lưu giữ được 2 bức câu đối bằng chữ nho

Quyết tâm khôi phục

Ông Nguyễn Xuân Thảo (78 tuổi) ở thôn Quan Lộc chia sẻ bản thân ông đã chứng kiến những thay đổi ở di tích đình, chùa Quan Lộc, cảm thấy nuối tiếc nhiều hạng mục có kiến trúc cổ, mang giá trị văn hóa, tâm linh độc đáo bị hạ giải, những công trình còn lại cũng xuống cấp.

Ông Nguyễn Trọng Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Động cho biết: "Với mong muốn truyền lại cho thế hệ con cháu, những năm gần đây Đảng ủy, UBND xã Tiên Động, nhân dân thôn Quan Lộc đã quyết tâm khôi phục các công trình đã mất và tu bổ, tôn tạo các công trình đã xuống cấp theo hướng giữ nguyên bản gốc".

Năm 2014, UBND xã Tiên Động cùng nhân dân tu sửa lại 3 gian đại bái nguyên là tòa trung đình của đình Quan Lộc. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm 3 gian đại bái, 3 gian hậu cung, xây bít đốc bổ trụ, mái lợp ngói mũi. Trong đó 3 gian đại bái còn bảo lưu khá đồng bộ kiểu dáng kiến trúc cổ thời Nguyễn khi dùng nghệ thuật chạm khắc bong kênh kết hợp chạm lộng tạo nên những mảng chạm tứ linh, tứ quý đẹp mắt. 

Năm 2006, chùa Quan Lộc được phục dựng lại. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường, 2 gian thượng điện, kết cấu khung vì kiểu giá chiêng. 

Trong khuôn viên di tích đình, chùa Quan Lộc còn giữ được một số cổ vật, di vật quý

Hiện nay, đình Quan Lộc thờ 4 vị thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương, Nam Hải Đại vương, Uy Minh Đại vương và Thiên Quan Đại vương. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Sau một thời gian gián đoạn, năm 2011, Lễ hội đình Quan Lộc được phục dựng lại với 2 kỳ chính vào tháng giêng và tháng 10 (âm lịch) nhưng thời gian rút ngắn; các tục lệ, hình thức tổ chức cũng đơn giản hơn trước. Ngoài ra, ngày giỗ nhà sư trụ trì Thích Thanh Thiệp vào 18.2 (âm lịch) cũng được coi là ngày hội chùa.

Tại khu di tích còn lưu giữ một số di vật, cổ vật quý như bức đại tự có từ thời Nguyễn mang dòng chữ “Vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng), hậu cung đình lưu giữ 2 bức câu đối ở đầu hồi bằng chữ nho, 4 miếu thờ Thành hoàng nằm ở 4 phía của làng. Trong khuôn viên chùa có 4 ngôi mộ tháp, trong đó có 3 mộ cổ, là nơi an nghỉ của các vị sư đã trụ trì chùa.

Với những đóng góp về mặt lịch sử cùng những giá trị về kiến trúc, ngày 12.1.2022, di tích đình, chùa Quan Lộc được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào, sự ghi nhận những cố gắng khôi phục các công trình văn hóa của chính quyền và người dân địa phương.

THANH HÀ