Khoảng lặng yên hạnh phúc ngập tràn

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 11:40, 30/04/2022

Đề tài chiến thắng ngày 30 tháng 4 đã trở thành mạch nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ từ sau năm 1975 đến nay.

Khoảng lặng yên tháng tư  

Tôi chưa bao giờ gặp đâu một bầu trời như thế
Bầu trời trong cao rộng khác thường
Những hàng me vừa mùa thay lá
Sắc xanh non tuôn sáng những bờ đường

Sau cơn mưa thành phố như gương
Lấp lánh những tường nhà khuôn mặt
Những lá cờ trên những ô cửa sổ đỏ tươi
Những lá cờ… không hiểu sao tôi bỗng rưng nước mắt

Mặt trời thật giản dị trên cao
Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất
Chiếc bi-đông chuyền tay cứu khát
Những vòm sao cao vút trên đầu
Cụm mây trắng tinh di động về đâu

Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng
Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn
Đất dịu mát dưới chân không sao thốt lên lời

Khoảnh khắc thành phố đường lặng yên
Lặng yên hàng cây
Lặng yên vòm trời
Lặng yên những căn nhà
Lặng yên những lá cờ trong nắng
Lặng yên nét cười thẳm sâu mắt bạn

Khoảnh khắc thành phố như mặt biển
Rồi tất cả trào lên cuồn cuộn thủy triều.
Sài Gòn 1975

NGÔ THẾ OANH

Đề tài chiến thắng ngày 30 tháng 4 đã trở thành mạch nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ từ sau năm 1975 đến nay. Mỗi tác giả có một cách khai thác khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện nỗi niềm xúc động và tự hào khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Ngô Thế Oanh thuộc thế hệ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc, đã chọn đúng thời khắc đặc biệt trong khoảng thời gian thiêng liêng ấy để nói lên nỗi lòng hạnh phúc của mình trong ngày vui thống nhất: “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/ Trào vui nước mắt cứ rưng rưng” (Tố Hữu). Bài thơ Khoảng lặng yên tháng tư nhờ thế đã thành một điểm nhấn, một tứ thơ độc đáo mà tác giả muốn biểu đạt tư tưởng chủ đề, cảm xúc cá nhân hòa trong niềm vui chung của Tổ quốc.

Bài thơ bắt đầu là một cảm nhận, một ấn tượng rất riêng của Ngô Thế Oanh về không gian trong ngày chiến thắng. Chớp lấy hai hình ảnh là bầu trời trong xanh cao rộng và những hàng me đang mùa thay lá giữa đường phố Sài Gòn để nói lên niềm vui bát ngát trong tâm hồn mọi người. Bầu trời trong phút giây toàn thắng không còn bình thường nữa mà trở nên “cao rộng khác thường”. Hàng me với sắc xanh trên những bờ đường làm nên vẻ đẹp non tơ và lấp lánh sắc màu như cái nhìn vui sướng vô biên của tác giả. Hai hình ảnh thơ đều sống động, tươi vui đã chuyển tải thật đúng tâm trạng khi nhà thơ tiến về Sài Gòn trong ngày vui giải phóng: "Tôi chưa bao giờ gặp đâu một bầu trời như thế/ Bầu trời trong cao rộng khác thường/ Những hàng me vừa mùa thay lá/ Sắc xanh non tuôn sáng những bờ đường".

Nhịp điệu của các dòng thơ dàn trải, lâng lâng như bước chân sải dài trên phố xá. Giọng thơ tươi vui, hân hoan và hào sảng. Hình ảnh thơ lộng lẫy, tươi mới như đất trời hãy còn sung mãn sức xuân. Đặc biệt giữa một không gian trong xanh, cao rộng tuyệt vời dường ấy, tác giả tập trung lòng mình để lắng nghe nỗi xúc động dâng trào khi ngước nhìn lên hình ảnh lá cờ Tổ quốc lần đầu thắm đỏ giữa phố phường Sài Gòn như mơ ước thiêng liêng ngày nào của Bác: "Những lá cờ trên những ô cửa sổ đỏ tươi/ Những lá cờ… không hiểu sao tôi bỗng rưng nước mắt".

Từ hạnh phúc ngập tràn đến rưng nước mắt là một tâm trạng rất thật. Trong khoảnh khắc vinh quang của ngày toàn thắng, tác giả vẫn không quên nhớ về những đồng đội hôm nào chuyền nhau từng bi-đông nước để cứu khát sau những trận đánh giáp mặt với quân thù. Biết bao nhiêu người đã nằm lại, vĩnh viễn không được nhìn thấy Sài Gòn, không thấy được niềm vui chiến thắng. Giờ đây, nhớ lại hơi ấm bàn tay bạn, nhà thơ như âm thầm lắng nghe từng âm vọng thiêng liêng chìm sâu trong mỗi thớ đất mà bạn mình đã vĩnh viễn nằm lại: "Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi/ Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng/ Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn/ Đất dịu mát dưới chân không sao thốt lên lời".

Vâng! Đó là khoảng lặng yên tháng tư đầy xúc động. Biết nói gì đây trong giờ phút thiêng liêng này, khi mặt đất dưới chân như cũng nghẹn ngào, se sắt. Tiếp tục mạch cảm xúc ấy, Ngô Thế Oanh đã sử dụng một loạt từ "lặng yên" đứng đầu các dòng thơ để làm nổi bật tứ thơ về giây phút không thể nào quên trong thời khắc lịch sử huy hoàng-thời khắc miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Từ hàng cây xanh biếc, đến vòm trời cao rộng; từ những căn nhà trên mái phố đến những lá cờ trong nắng, tất cả im lặng đến rưng rưng, ngay cả nét cười thẳm sâu nơi mắt bạn hiện về trong tâm thức. Chính nghệ thuật lặp cấu trúc câu thơ đã giúp cho tác giả thể hiện được tư tưởng mà mình muốn biểu đạt: "Khoảnh khắc thành phố đường lặng yên/ Lặng yên hàng cây/ Lặng yên vòm trời/ Lặng yên những căn nhà/ Lặng yên những lá cờ trong nắng/ Lặng yên nét cười thẳm sâu mắt bạn".

Lặng yên để rồi trào vỡ, bừng sôi như thuỷ triều cuồn cuộn, như sóng dào đại dương trong nỗi niềm xúc động quá lớn lao. Hai câu thơ kết bài được tác giả tách thành một khổ thơ riêng, dồn nén và chất chứa, ngập tràn và bung tỏa. Đó là niềm vui lớn của một dân tộc sau ba mươi năm chia cắt, niềm vui trào dâng mà nước mắt chan chan trên mỗi mặt người. Cả thành phố Sài Gòn lúc này như mặt biển bừng lên sinh khí chưa từng có, "cuồn cuộn thủy triều" sau sức nén của một cuộc bùng nổ: "Khoảnh khắc thành phố như mặt biển/ Rồi tất cả trào lên cuồn cuộn thủy triều".

Khoảng lặng yên tháng tư là bài thơ hay. Sự thành công trước hết của thi phẩm là nhờ tác giả biết khai thác được tứ thơ thật độc đáo. Lặng yên mà trào vỡ, lắng sâu mà bừng thức một niềm vui sướng vô biên. Nước mắt và nỗi niềm suy tư hòa cùng niềm hân hoan rạng rỡ mặt người. Chính nghệ thuật đối lập nằm ở tầng sâu đã làm nên sức cám dỗ mãnh liệt kể từ khi thi phẩm ra đời vào đúng dịp nhà thơ tiến vào Sài Gòn giương cao ngọn cờ đại thắng.

LÊ THÀNH VĂN