Thời hào hùng của tự vệ Nhà máy Sứ Hải Dương

Chính trị - Ngày đăng : 12:30, 30/04/2022

Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đoàn Tự vệ Nhà máy Sứ Hải Dương đã kiên cường bảo vệ nhà máy để những lò nung luôn đỏ lửa, duy trì hoạt động sản xuất, đưa sản phẩm đi muôn nơi.


Ông Trương Công Tọa (bên phải)  kể lại với phóng viên những ngày vừa tham gia sản xuất, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ nhà máy

Nhà máy Sứ Hải Dương (nay là Công ty CP Sứ Hải Dương) được xây dựng từ năm 1959. Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy Sứ Hải Dương phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Nhà máy Sứ Hải Dương trở thành trọng điểm ném bom của máy bay địch. Nhiệm vụ chính của nhà máy là sản xuất, kinh doanh song trong tình hình chiến tranh ác liệt, công tác quân sự được Đảng ủy, Ban Giám đốc chuẩn bị tích cực với tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1964, để chiến đấu và phòng tránh địch, Nhà máy Sứ Hải Dương đã xây dựng 1 Tiểu đoàn Tự vệ do đồng chí Giám đốc nhà máy làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn Tự vệ gồm 1 đại đội pháo cao xạ, 1 đại đội tự vệ chiến đấu tại chỗ và bảo vệ nhà máy, 1 đại đội cơ động sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; mỗi tổ sản xuất là 1 tiểu đội tự vệ với hai phần ba là bộ đội chuyển ngành. Tất cả lực lượng đều được huấn luyện nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật. Cùng với chuẩn bị lực lượng, công tác phòng tránh bom đạn được nhà máy tiến hành khẩn trương, nhanh chóng. Nhà máy đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông dài 7.000 m ngang dọc bên trong các nhà xưởng và nối với khu tập thể, làm 4.500 hố cá nhân bằng bê tông. Tại lò ga tầng 3, có cầu thang trượt cao 25 m, có đài quan sát nối với Tỉnh đội để kịp thời báo động khi có mục tiêu.

“Khi đó tôi đang là công nhân ở lò ga vừa trực tiếp sản xuất, giữ cho lò luôn đỏ lửa vừa tham gia đội tự vệ. Mỗi khi nhìn thấy hệ thống đèn báo động của nhà máy đỏ lên là chúng tôi lại nhanh chóng cầm súng sẵn sàng vào vị trí chiến đấu”, ông Trương Quang Tọa ở khu 2, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật, người gắn bó với Nhà máy Sứ Hải Dương từ năm 1965-2004 nhớ lại.

Từ tháng 3.1968 đến tháng 8.1972, máy bay Mỹ nhiều lần đánh phá thị xã Hải Dương rất ác liệt, nhưng nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng cả về tinh thần và bố trí lực lượng đối phó với các tình huống chiến đấu nên nhà máy hạn chế được thiệt hại. Trong số các trận ném bom bắn phá, ông Nguyễn Tiến Bộ ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương), nguyên Phó Trưởng Phòng Tổ chức lao động Nhà máy Sứ Hải Dương nhớ nhất là trận ném bom đêm 20.12.1972. Khi đó công nhân các phân xưởng đã tan ca, chỉ còn bộ phận lò ga, lò nung và các đại đội trực chiến đấu. "Mỹ dội bom xuống nhà máy, tại các trận địa đặt trong nhà máy, các đại đội phối hợp với nhau quyết liệt bắn trả máy bay Mỹ. Ở trận này, Xí nghiệp Thành hình bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều phòng sấy bị phá, tiếp đó là phân xưởng tạo khuôn, thạch cao bị bay mất mái, cháy ngùn ngụt, may lúc đó là đêm nên không thiệt hại về người. Chúng tôi gồng vai khắc phục hậu quả, ít ngày sau, các bộ phận sấy, tạo khuôn lại tiếp tục sản xuất trở lại”, ông Bộ cho biết.

Tự vệ Nhà máy Sứ Hải Dương đã phối hợp rất tốt với bộ đội địa phương đón lõng, đánh lạc hướng địch khiến chúng không thực hiện được mục tiêu bắn phá. Tiêu biểu là lực lượng pháo cao xạ của Nhà máy Sứ Hải Dương đã bám trụ trên từng nóc nhà phân xưởng, chiến đấu kiên cường, góp phần cùng bộ đội phòng không khu vực bến Hàn bắn rơi 2 máy bay Mỹ vào ngày 22.7.1967.

Cùng với sản xuất, chiến đấu tại chỗ, Nhà máy Sứ Hải Dương còn tổ chức tốt các phong trào thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”... Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Nhà máy Sứ Hải Dương đã góp 3.000 ngày công làm trận địa cho bộ đội địa phương, động viên gần 500 người lên đường bảo vệ Tổ quốc. Cũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà máy đã có 35 liệt sĩ, 41 thương binh…

Với những thành tích trên, bảo vệ, tự vệ Nhà máy Sứ Hải Dương đã được Nhà nước tặng thưởng 15 cờ các loại. Năm 2004, tự vệ Nhà máy Sứ Hải Dương được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. 

​TRƯƠNG HÀ