Dâng hương tưởng niệm 771 năm ngày mất của An Sinh vương Trần Liễu

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 14:20, 01/05/2022

Trong khuôn khổ buổi lễ cũng công bố quyết định Lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Đồng chí Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trao chứng nhận Lễ hội đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo thị xã Kinh Môn

Sáng 1.5 (tức ngày 1.4 âm lịch), UBND thị xã Kinh Môn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 771 năm ngày mất của An Sinh vương Trần Liễu (1251-2022); công bố quyết định Lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định công nhận Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương là khu du lịch cấp tỉnh.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tới dự.


Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Quyết định công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đối với Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương cho lãnh đạo thị xã Kinh Môn

An Sinh vương Trần Liễu sinh năm 1211, là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên, phong là Phò mã đô úy. Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc Kinh Môn), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh) ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh vương. Ông giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, xây dựng, kiến thiết vùng biển Hải Đông thành nơi giàu có, mạnh về kinh tế, quốc phòng.

An Sinh vương Trần Liễu là thân sinh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông đã dành tâm huyết nuôi dạy con khôn lớn, tìm thầy giỏi rèn luyện con trai trở thành một người trung hiếu, văn võ toàn tài, thống lĩnh quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 và lần thứ 3. Năm 1251, An Sinh vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh Đại vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đã trao chứng nhận Lễ hội đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho thị xã Kinh Môn. Lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định về việc công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đối với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương.


Đọc văn tế An Sinh vương Trần Liễu

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng đề nghị thời gian tới, thị xã Kinh Môn và các ban, ngành liên quan cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị của Lễ hội đền Cao An Phụ nói riêng, giá trị của Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nói chung để từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tích cực bảo vệ và tôn tạo khu di tích. Nâng cao khả năng quản lý di tích, tổ chức lễ hội. Tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu để khôi phục các nghi lễ, nghi thức và trò chơi dân gian truyền thống cho đúng với lễ hội xưa nhằm bảo tồn những giá trị đặc sắc của lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hoá của nhân dân địa phương, của du khách trong nước và quốc tế. Bảo tồn không gian quần thể di tích trong đó cần chú ý bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên. Tích cực, chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn cần bám sát nội dung nhiệm vụ đã được phê duyệt để định hướng phát triển di tích trong tương lai. Đẩy mạnh xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương tại các điểm di tích trong Quần thể đền Cao An Phụ - động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương...

HUYỀN TRANG