Bị cướp, không nên truy đuổi
Tư vấn - Ngày đăng : 06:14, 02/05/2022
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ nam thanh niên tử vong khi truy đuổi hai nghi phạm cướp tối 27.4
Vài ngày trước, người dân trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 (TP Hồ Chí Minh) thấy nam thanh niên 19 tuổi nhiều lần tri hô "cướp, cướp", phóng xe máy đuổi theo hai người chở nhau phía trước. Được một đoạn, hai xe tông vào nhau khiến thanh niên ngã văng xuống đường, tử vong tại chỗ.
Trước đó 10 ngày, trong đêm, nữ sinh 21 tuổi cũng liên tục tri hô "cướp" khi đuổi theo xe hai người đàn ông trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Nữ sinh sau đó tông phải xe ba gác chở hàng, tử vong. Gia đình nạn nhân cho biết cô bị mất điện thoại iP13.
Hồi tháng trước, đôi nam nữ khi truy đuổi hai tên cướp ở quận Bình Thạnh đã va chạm với chiếc taxi chạy ngược chiều dẫn đến tai nạn, chấn thương sọ não...
Lãnh đạo một đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh xin chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Ông cho biết, bản chất của tội phạm cướp giật tài sản là gây án bất ngờ, rồi tẩu thoát. Trong nhiều vụ, chúng rất manh động, sẵn sàng chống lại người truy đuổi (như ép xe, xịt hơi cay, đâm chém...) dù biết đó là cảnh sát.
"Như vậy, người dân truy bắt chúng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của mình. Với chúng tôi, để trấn áp tội phạm cướp giật đòi hỏi phải phải trang bị nhiều kỹ năng như tâm lý, trình độ lái xe, võ thuật", ông nói.
Trường hợp người dân không may bị cướp, theo trinh sát hình sự kỳ cựu này, cần tri hô để người dân xung quanh hỗ trợ; cố gắng giữ bình tĩnh, ghi nhớ biển số xe, đặc điểm nhận dạng (như loại xe, hướng di chuyển...) sau đó cung cấp cho công an, giúp nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng người dân không nên truy đuổi cướp bằng mọi cách. Cướp, hay cướp giật, thuờng đi thành nhóm khi gây án để hỗ trợ nhau "cản địa", chạy với tốc độ rất cao để tẩu thoát. Trong tình huống đó, các nạn nhân rất dễ trở thành nạn nhân lần nữa nếu bị chúng tấn công, ép ngã xe...
Theo bà Vinh, nếu bị giật tài sản, nạn nhân cần tri hô thật to, chỉ tay về hướng tên cướp hoặc nói về nhân dạng của chúng như: "Cướp, áo đỏ, xe wave màu xanh...", để nhận sự giúp đỡ từ người đi đường. Hiện nay hệ thống camera an ninh được trang bị rộng rãi, nhiều ôtô lưu thông trên đường cũng có camera hành trình. Khi cảnh sát tiếp nhận các thông tin nhận dạng từ nạn nhân, nhân chứng, dữ kiện từ camera... sẽ sớm truy bắt được tội phạm.
Ngoài ra, luật sư Vinh cho rằng, việc người dân truy đuổi tội phạm không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà còn cho cả người đi đường, hoặc chính nghi can đó. Như hôm 23.4, ba thanh niên ở Đăk Lăk đã vướng vào lao lý sau khi lái ôtô truy đuổi, tông chết nghi can chộm chó. Hay trước đó đã xảy ra nhiều vụ án người dân tông trực diện vào xe tên cướp dẫn đến một trong hai bên bị thương tích nặng hoặc tử vong.
"Pháp luật quy định, trường hợp tên cướp bị thương tích nặng hoặc tử vong thì người gây ra tai nạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị bồi thường thiệt hại. Do đó, nạn nhân và người đi đường không nên mạo hiểm cả mạng sống chỉ để đòi lại tài sản. Tính mạng con người vẫn là trên hết tất cả", bà Vinh nói.
Theo lãnh đạo đội nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh, để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm, trước tiên người dân cần có ý thức tự bảo vệ tài sản của mình khi ra đường, như: không để tài sản hớ hênh, đeo túi xách, dây chuyền, nghe điện thoại khi chạy xe; hạn chế đi vào đường vắng, đêm khuya...
Để bảo vệ an ninh trật tự cũng như tài sản của người dân trong dịp nghỉ lễ này và bảo vệ đại hội thể thao Đông Nam Á sắp tới, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai cao điểm trấn áp tội phạm. "Trinh sát công an thành phố và các quận huyện sẽ được tung đi tuần tra khắp các tuyến đường để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm", ông cho biết.
Theo VnExpress