Lợi bất cập hại chuyện ăn quá ít để giảm cân
Làm đẹp - Ngày đăng : 08:30, 02/05/2022
Việc ăn kiêng giảm cân đang trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ phương pháp giảm cân cũng như chế độ ăn của mình và cho thấy những hiệu quả đáng kinh ngạc. Một số trong đó là những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng trên thế giới.
Dù phần nào tác động tích cực tới tư duy bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, một số chế độ ăn không phù hợp lại có thể ảnh hưởng xấu tới cơ thể của những người nghe và làm theo. Điển hình là việc gợi ý ăn kiêng ở mức quá ít, không đảm bảo chất dinh dưỡng cơ thể cần.
“Tiểu sử” của con số 1.200 calo
Tiêu biểu cho những cuộc tranh luận về việc ăn kiêng này là thực đơn của một nữ ca sĩ chỉ gồm khoai lang, táo và ức gà với số lượng không nhiều. Bên cạnh đó là nhiều video chia sẻ thói quen ăn uống chỉ gồm salad, rau củ quả,...
Bên cạnh một số bình luận ngưỡng mộ, nhiều người cũng bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến thực đơn quá “nghèo nàn” này. Nhóm này cho rằng lượng thực phẩm như vậy là quá thấp, không đủ nuôi dưỡng cơ thể.
Đây là thời điểm con số 1.200 xuất hiện. 1.200 calo được giải thích là mức ăn tối thiểu một người trưởng thành nên đảm bảo để duy trì sự sống bất chấp mục tiêu cũng như quyết tâm giảm cân.
Dù ăn kiêng, cơ thể vẫn cần đảm bảo đủ mức năng lượng tối thiểu để duy trì sự sống
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay con số này là có cơ sở. Thậm chí với một số trường hợp thừa cân, béo phì nặng, họ còn cần ăn ở mức thấp hơn là 1.000 calo/ngày.
“Đây là những mốc năng lượng rất quan trọng bởi chúng được dùng cho quá trình chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Đây là nguồn cung cấp năng lượng tối thiểu cho cơ thể hàng ngày”, vị chuyên gia nói.
Bà giải thích việc ăn uống, nạp năng lượng của cơ thể mỗi ngày phục vụ 2 mục đích. Bên cạnh các hoạt động thể lực, trí não,… chúng ta còn cần năng lượng để cơ thể thực hiện những hoạt động sống được gọi là chuyển hóa cơ bản.
Năng lượng dùng cho chuyển hóa cơ bản bao gồm việc tim đập, phổi thở, các cơ quan tiêu hóa, nội tiết,... thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngay khi chúng ta ngủ, việc chuyển hóa cơ bản vẫn diễn ra, giúp duy trì sự sống.
Theo Thạc sĩ Hải, năng lượng dùng cho chuyển hóa cơ bản của một người bình thường dao động ở khoảng 900-1.100 calo/ngày.
Từ đây, mức năng lượng 1.000-1.200 calo là ngưỡng ăn tối thiểu của một người trong 24 giờ. Nếu không đáp ứng đủ, cơ thể sẽ không có năng lượng để chuyển hóa cơ bản, dẫn tới hạ đường huyết, ngất xỉu,...
Thạc sĩ Hải nói thêm: “Mức năng lượng chuyển hóa cơ bản này của mỗi nười là khác nhau. Đó chính là lý do khiến một số người ăn nhiều không béo và ngược lại, ăn không nhiều vẫn béo. Tùy cơ địa của mỗi người, mức năng lượng tiêu hao từ chuyển hóa cơ bản sẽ cao hoặc thấp, người có chuyển hóa cơ bản thấp dễ bị béo phì hơn”.
Ngoài ra, một số trường hợp béo phì rất nặng, độ 3-4, có thể phải giảm tổng năng lượng nạp vào ở ngưỡng 800 calo, thấp hơn chuyển hóa cơ bản. Tuy nhiên, bệnh nhân lúc này sẽ phải thực hiện tại bệnh viện và được các bác sĩ theo dõi sát.
Song song với chuyển hóa cơ bản, các hoạt động thể lực hàng ngày sẽ được cơ thể đốt cháy mỡ dư thừa làm năng lượng. Do đó, những người tập luyện thể dục, thể thao với tần suất cao có thể ăn nhiều hơn và ngược lại.
Nguy cơ từ việc ăn quá ít
Theo Thạc sĩ Hải, việc một số người ăn kiêng không khoa học, nạp mức năng lượng quá thấp, cụ thể là dưới 1.000 calo/ngày, thậm chí nhịn ăn, bỏ bữa sẽ mang dẫn đến những hậu quả rất nguy hiểm.
“Tối thiểu, chúng ta cần đáp ứng đủ năng lượng phục vụ chuyển hóa cơ bản. Đây là cách để duy trì sự sống của cơ thể. Không đủ năng lượng, biểu hiện đầu tiên sẽ là hạ đường huyết, ngất xỉu, choáng váng,...”, vị chuyên gia nói.
Việc ăn quá ít mang đến nhiều nguy cơ hơn hiệu quả giảm cân
Mặt khác, khi ăn quá ít và không đảm bảo đầy đủ những chất dinh dưỡng sinh nhiệt (carb, đạm, chất béo) cũng như vitamin, khoáng chất, các chức năng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng rất lớn, gây khó khăn trong công việc, sinh hoạt.
“Trên thực tế, một số người mẫu trên thế giới do nhịn ăn quá mức thậm chí đã tử vong”, Thạc sĩ Hải cảnh báo.
Do đó, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh việc ăn kiêng phải đảm bảo tính hợp lý, giảm năng lượng đầu vào trong mức an toàn, đồng thời duy trì đầy đủ các chất dinh dưỡng như carb, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh bên cạnh ăn kiêng, việc tập luyện thể dục, thể thao cũng rất quan trọng.
“Với người muốn giảm mỡ, xây dựng thân hình đẹp, ngoài chế độ ăn hợp lý còn cần chăm chỉ tập luyện, từ đây cơ bắp mới không bị tiêu hao, cơ thể được tăng khối nạc mang lại sự rắn chắc, khỏe mạnh. Chúng ta phải luôn đảm bảo song song 2 điều này”, bà đưa lời khuyên.
Theo Zing