Lệnh phong tỏa đang tàn phá kinh tế Trung Quốc
Bình luận - Ngày đăng : 22:14, 02/05/2022
Theo Bloomberg, dữ liệu khảo sát từ các nhà quản lý mua hàng cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2.2020, thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở Vũ Hán. Tương tự, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài cũng suy yếu do phải hứng chịu nhiều áp lực.
Hiện, những thiệt hại ghi nhận được tập trung chủ yếu tại trung tâm tài chính Thượng Hải, trung tâm sản xuất ôtô Trường Xuân và một số khu vực khác.
Cam kết tăng trưởng của Trung Quốc bị thử thách
Sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng rõ ràng. Dữ liệu PMI (chỉ số quản lý quản lý thu mua) cho thấy quá trình cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng của các nhà cung cấp đang trải qua tình trạng chậm trễ lâu nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Lượng tồn kho thành phẩm cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong khi chỉ số xuất nhập khẩu đều giảm mạnh.
Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó đã cam kết hoàn thành các mục tiêu kinh tế, đồng thời kiên định với chính sách Zero Covid để ngăn chặn đại dịch.
Giới kinh tế học nhận định hai mục tiêu của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược nhau. Một số thậm chí đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống mức thấp hơn nhiều mục tiêu 5,5% của chính phủ.
“Tôi dự đoán tăng trưởng GDP trong quý II sẽ biến chuyển tiêu cực do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách phong tỏa. Vấn đề quan trọng trong tương lai là chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách mạnh tay này như thế nào để giảm thiểu thiệt hại kinh tế”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, dự báo.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng là 5,5%
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng các cuộc đàn áp, siết chặt quy định đối với hệ thống công ty công nghệ đang tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán và tiền tệ. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tỏ ra phấn khích trước những đề xuất nới lỏng hạn chế về tài sản và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong cuộc họp với Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình đã thể hiện lập trường mềm mỏng hơn với khu vực tư nhân khi cho rằng cần khuyến khích sự phát triển lành mạnh của nhóm này. Đồng thời, vị lãnh đạo lưu ý đến hoạt động điều tiết vốn và khẳng định không được làm suy yếu các mục tiêu thịnh vượng chung.
Những cam kết được đưa ra trong bối cảnh dấy lên lo ngại về một đợt phong tỏa ở Bắc Kinh. Cuối tuần trước, thủ đô của Trung Quốc đã thắt chặt nhiều hạn chế sau khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt.
Chính sách hạn chế nghiêm ngặt
Công dân nước này hiện được yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm acid nucleic âm tính có giá trị 48 giờ nếu muốn vào bất kỳ địa điểm công cộng nào trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày dịp Quốc tế Lao động.
Hoạt động ăn uống tại các nhà hàng sẽ bị cấm trong thời gian này. Từ ngày 1.5, công viên giải trí Universal Studios ở Bắc Kinh đã thông báo đóng cửa để tuân thủ các biện pháp chống dịch. Những địa điểm không gian kín gồm rạp hát, quán cà phê, phòng gym cũng phải tạm dừng hoạt động.
Tại Thượng Hải, thành phố tập trung đông dân cư đã bị phong tỏa hơn một tháng qua, chính phủ thông báo sẽ nới lỏng hạn chế và tiêu chí phòng dịch đối với 6 quận đáp ứng chính sách Zero Community từ ngày 1.5.
Chính sách này yêu cầu khu vực dân cư không xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp, đồng thời số ca mới hàng ngày phải ít hơn 0,001% dân số của khu vực đó.
Nhiều bằng chứng cho thấy áp lực nguồn cung ngày càng trầm trọng. Trong khi một số tỉnh và thành phố đang dần nới lỏng, ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn do áp lực về hậu cần và chuỗi cung ứng
Mitul Kotecha, người đứng đầu chiến lược các thị trường mới nổi tại TD Securities
Với vai trò là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đồng nghĩa hàng hóa sẽ khan hiếm cũng như gia tăng áp lực lên lạm phát toàn cầu. Bất chấp sự hối thúc và giám sát từ cơ quan quản lý, hoạt động logistic tại Trung Quốc vẫn tắc nghẽn, nhiều container hàng hóa nằm phủ bụi vài tuần tại cảng Thượng Hải.
Theo cuộc khảo sát PMI công bố hôm 30.4, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm sâu xuống mức tồi tệ nhất trong gần 2 năm còn chỉ số nhập khẩu thấp nhất kể từ tháng 2.2020.
Các hoạt động có thể tiếp tục suy yếu trong suốt quý II. Nỗi lo về dịch bệnh bùng phát trên diện rộng đang hủy hoại viễn cảnh đẩy mạnh tiêu thụ trong ngày Quốc tế Lao động.
Việc tổng sản phẩm quốc nội tại tỉnh Cát Lâm giảm những 7,9% trong quý I cũng là dấu hiệu cảnh báo những khu vực khác về rủi ro phải đối mặt.
“Chúng tôi rất lo ngại đến tình hình tăng trưởng. Bất chấp những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi vẫn tin rằng diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào tình hình đại dịch và chính sách Zero Covid. Tầm quan trọng của tất cả chính sách khác đều là thứ yếu”, các nhà kinh tế của Nomura Holding, thông báo.
Theo Zing