9 dấu hiệu nhận biết thanh thiếu niên đang bị trầm cảm

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:16, 03/05/2022

Theo chuyên gia, các yếu tố dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường là bất đồng quan điểm với cha mẹ như chọn trường, chọn lớp, sự kỳ vọng của cha mẹ đặt lên con cái, mâu thuẫn với bạn bè, bị bạn bè bắt nạt, cô lập...

 - Ảnh 2.
Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em ở lứa tuổi thanh thiếu niên mắc các hội chứng rối loạn tâm lý, tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng có xu hướng gia tăng trên thế giới cũng như Việt Nam. Theo một số các thống kê cho thấy tỷ lệ hiện mắc ước tính tại nước ta trong 1 năm qua là 4-5%, chủ yếu ở trẻ vị thành niên 14-19 tuổi. Nghiên cứu sàng lọc tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội do Khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện năm 2020-2021 cho thấy tỉ lệ này là 26,1%.

TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, có nhiều yếu tố phối hợp nhau gây nên trầm cảm ở trẻ vị thành niên như tâm lý, sinh học, mối liên hệ của con người, văn hoá xã hội. Đặc biệt ở trẻ vị thành niên trầm cảm chủ yếu xuất hiện sau sang chấn tâm lý. Với xã hội phát triển, tác động từ môi trường, gia đình, bạn bè, mạng xã hội khá nhiều và có thể là lý do giải thích sự gia tăng trầm cảm ở trẻ vị thành niên hiện nay.

“Kinh nghiệm làm việc tại Khoa Sức khoẻ vị thành niên của chúng tôi cho thấy các bất đồng quan điểm với cha mẹ về học tập như chọn trường, chọn lớp, sự kỳ vọng của cha mẹ đặt lên con cái, mâu thuẫn - cãi nhau với bạn bè, bị bạn bè bắt nạt, cô lập, thầy cô thiếu công bằng khi xử lý các sự việc trong lớp… là những yếu tố dẫn đến trầm cảm của trẻ vị thành niên”, TS. Loan chia sẻ.

9 dấu hiệu nhận biết thanh thiếu niên bị trầm cảm

Để nhận biết thanh thiếu niên có đang gặp phải vấn đề về trầm cảm hay không, TS. Loan đưa ra 9 dấu hiệu dễ nhận thấy dưới đây:

- Buồn bã, ít nói, ít giao tiếp với mọi người xung quanh hoặc dễ cáu giận, dễ bị kích động bởi những lý do vu vơ.

- Mất quan tâm, thích thú với những điều trước đây trẻ vẫn ham thích.

- Thấy mệt mỏi thường xuyên và cảm giác như không đủ năng lượng để học tập.

- Tự ti về bản thân, thấy mình thua kém bạn bè.

- Thấy mình là người vô dụng, nhiều tội lỗi.

- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan.

- Giảm tập trung đặc biệt trong học tập, kết quả học sút kém.

- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ hay trằn trọc.

- Ăn không thấy ngon miệng hoặc ăn quá nhiều.

Bị trầm cảm, thanh thiếu niên cần được giúp như thế nào?

“Theo tôi, việc bố mẹ hiểu biết, nắm bắt được tâm lý trẻ là hết sức cần thiết. Mỗi nhóm tuổi sẽ có sự phát triển tâm lý khác nhau và đòi hỏi các chăm sóc hỗ trợ cũng khác nhau. Ví dụ với các trẻ vị thành niên rất nhạy cảm trước các tác động bên ngoài hơn nhóm trẻ nhỏ. Vì vậy, cách giao tiếp hàng ngày với trẻ cũng cần phải phù hợp.

Cha mẹ không nên mắng, đánh trẻ khi trẻ mắc lỗi. Bởi nhiều trẻ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương tâm lý khi bị như vậy, thậm chí trẻ có thể có hành vi tự tử khi không kiểm soát được cảm xúc. Cách dạy trẻ ở tuổi vị thành niên cũng cần mềm mỏng, tránh áp đặt như khi trẻ còn nhỏ'', TS. Loan phân tích.

Để có thể đồng hành cùng con, cha mẹ cần phải nhìn nhận một cách tích cực bằng cách:

- Cập nhật kiến thức để biết các thay đổi tâm sinh lý theo lứa tuổi của con.

- Hãy lùi lại, làm bạn thật sự của con, bằng cách cùng con nói chuyện về các chủ đề tuổi teen, cùng đi mua sắm, cùng thảo luận các vấn đề con quan tâm… chia sẻ với con suy nghĩ và mong muốn của cha mẹ để trẻ biết và cùng cảm nhận.

- Dành nhiều thời gian hơn cho con để lắng nghe con, tìm hiểu các lý do, đặt mình vào vị trí của con trước khi phê bình con cái.

- Đặc biệt, cho phép trẻ có "khoảng trời riêng" trong giới hạn cho phép. Ví dụ, hãy cho phép trẻ tự lựa chọn quần áo, kiểu tóc trẻ muốn có, để trẻ ngủ riêng phòng, tôn trọng bạn bè trẻ đã chọn để chơi… Bố mẹ nên tránh kiểm soát con theo cách "bạo lực" như xem trộm điện thoại, cấm đoán tịch thu điện thoại, cắt mạng, mắng chửi… khi thấy trẻ nhắn tin tình cảm với bạn bè…

Trên thực tế, biểu hiện của trẻ trầm cảm là ít giao tiếp, thu mình. Vì vậy nên khuyến khích trẻ giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Không cần và không nên có một môi trường sống và sinh hoạt riêng biệt cho trẻ trầm cảm.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động chung cùng gia đình như phân công cho trẻ làm các công việc đơn giản, khả năng thành công cao để trẻ cảm nhận được bản thân mình có ích, tự tin hơn. Từ đó, tạo động lực cho trẻ tiếp tục làm các công việc khác.

Trẻ cũng cần được tạo điều kiện để giao lưu và gặp gỡ bạn bè, hay tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí giúp trẻ thư giãn tốt hơn.

Đặc biệt, cha mẹ cần tránh tác động tất cả những điều tiêu cực gây áp lực lên trẻ như: mắng, gọi trẻ bằng những từ như “vô dụng”, “kém cỏi”, “không được việc gì”, “vô tích sự”…

Theo Sức khỏe và Đời sống