Khi trẻ căng thẳng, phụ huynh hãy là "nhà tâm lý"
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:24, 04/05/2022
Trần Nguyễn Gia B. - học sinh lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) bộc bạch: "Nhiều lúc em cảm thấy căng thẳng, stress nhưng không biết bày tỏ cùng ai. Những lúc như thế, em thường chọn cách viết nhật ký, đọc sách để giải tỏa và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực của mình".
"Mỗi khi em không được điểm cao hoặc mắc lỗi gì đó ở lớp là em rất sợ về nhà vì bố em mắng xong là đánh. Em mong bố bớt nóng giận và hiểu cho sự cố gắng của em"... - chia sẻ của một học sinh lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp.
Đó là chia sẻ của hai trong số rất nhiều học sinh có biểu hiện stress, lo âu... sau thời gian dài học trực tuyến ở nhà. Cá biệt, có học sinh bị trầm cảm đã không giữ được bình tĩnh nên có những hành động dại dột.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) trong tiết chuyên đề giáo dục kỹ năng sống.
Theo bà Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, thời gian gần đây, những vụ việc đáng tiếc như học sinh tự tử đều có liên quan đến vấn đề tâm lý. Đôi khi không phải vì căng thẳng học tập, mà có thể các em bị áp lực từ những yếu tố khách quan, từ việc bố mẹ con cái chưa hiểu nhau nên dễ dẫn đến bị căng thẳng, xung đột và bộc phát.
"Thông qua những bức thư gửi bố mẹ của trẻ, tôi nhận thấy: Bố mẹ cần có sự thay đổi về cách ứng xử, giáo dục con cái sao cho phù hợp; bởi thực tế giới trẻ cũng có nhiều áp lực. Áp lực này đôi khi không đến từ bố mẹ hay thầy, cô, nhà trường; mà có những em tự tạo áp lực cho mình. Hoặc áp lực từ trong cuộc sống, môi trường xã hội xung quanh…".
Bà Hương cho rằng, nếu bố mẹ không biết cách giải tỏa, ứng xử phù hợp, các em dễ rơi vào trạng thái buồn bã, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Nếu bố mẹ lại không biết cách xoa dịu, xung đột xảy ra là điều dễ hiểu.
"Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi trẻ phải hoàn thiện bản thân. Hãy cho các em quyền được sai. Bởi có sai mới trưởng thành. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình" - bà Hương khuyên các bậc phụ huynh.
Ở khía cạnh khác, TS. Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không chỉ có học sinh mà phụ huynh và giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý. TS. Lê Minh Công cho biết, những nghiên cứu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và sau COVID-19 cho thấy, giáo viên cũng gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần cần phải được chăm sóc, nhất là tại quốc gia đang phát triển và đặt kỳ vọng, gánh nặng lên vai nhà giáo như ở nước ta.
Theo ông Công, những khó khăn của giáo viên đến từ khủng hoảng hay trách nhiệm quá nhiều với vai trò là vợ hay chồng, cha mẹ mà trong thời gian giãn cách xã hội họ vẫn phải thực hiện.
Với vai trò là giáo viên, họ phải chịu áp lực về việc phải truyền tải đủ nội dung kiến thức, phải tiếp cận và học sử dụng công nghệ mà trước đây không phải thực hiện, trong khi nhiều người không có kiến thức và kỹ năng thành thục về lĩnh vực này. Ngoài việc phải dạy trực tuyến thì nhà giáo cũng phải giãn cách xã hội, có nguy cơ nhiễm COVID-19, khó khăn về tài chính... Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của giáo viên cũng rất quan trọng. Thầy cô khỏe mạnh mới có thể giúp học sinh an lạc, hạnh phúc trong các giờ dạy.
Theo Sức khỏe và Đời sống