Về với Điện Biên

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:11, 07/05/2022

Nhà thơ quân đội, Đại tá Nguyễn Hữu Quý là một người lính trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh lên Điện Biên là tìm lại những hồi tưởng ký ức lịch sử một thời của lớp cha anh.

Điện Biên gọi tôi lên

Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên
hay ban trắng triền xuân còn đang đợi
Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến
Mường Thanh xanh líu ríu câu mời

Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi
mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi
qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối
mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay…

Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa
nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra
mưa xối buốt những bàn tay máu tứa
đất đỡ người ngã xuống hôm qua

Về mùa em, lòng chảo lúa mượt mà
cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt
đồi A1 đặt vào tôi câu hát
tôi hát cùng áo cóm, hoa ban

Có gì đâu măng đắng, cơm lam
hóa thơm thảo sông mường, ruộng bản
Điện Biên ạ, mai xa rồi, nhớ lắm
tôi hẹn về bên núi và em!

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nhà thơ quân đội, Đại tá Nguyễn Hữu Quý là một người lính trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi Chiến thắng Điện Biên Phủ là lúc anh chưa sinh ra. Vì thế anh lên Điện Biên là tìm lại những hồi tưởng ký ức lịch sử một thời của lớp cha anh. Thế nhưng, trong “Điện Biên gọi tôi lên” anh đã hóa thân thành một người lính Điện Biên năm xưa sống lại những phút giây lịch sử. Với nhịp thơ tâm tình, bồi hồi bao xúc động, tiếng gọi “Điện Biên ngày ấy” và "Điện Biên bây giờ” cứ giao thoa dệt vào đan cài nhau không chỉ là những hồi tưởng mà là cộng hưởng với bao nỗi niềm da diết.

Bắt đầu là âm vang: “Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên”. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh" đến “đánh chắc, thắng chắc” là một nghệ thuật quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế kéo pháo vào rồi kéo pháo ra là một quyết định táo bạo: “Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa/ Nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra”. Nhà thơ thật tài hoa khi chỉ điểm tên vài địa danh Điện Biên đã phác họa được chân dung địa hình và cả hồn cốt linh khí của vùng đất này với những câu thơ hình ảnh rất gợi cứ quấn quýt như một vòng tay, một vòng xòe: “Nậm Rốn tím sương chiều chờ tôi đến/ Mường Thanh xanh líu ríu câu mời”. Chỉ một động thái tin cậy “líu ríu” mà chứa chan bao tình cảm, vừa vồn vã vừa ân cần, vừa náo nức chân thật. Bằng bút pháp chấm phá đặc trưng của hội họa, ngòi bút người lính thi sĩ thật tung tẩy mà đằm thắm diệu vợi biết bao: “Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/Mới Pa Đin đã bối rối Điện Biên rồi”. Chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn còn dấu tích bảo tàng ngổn ngang chiến hào. Còn đó trong tâm trí ký ức của những người hôm nay khi lên thăm lại Điện Biên xiết bao ngậm ngùi xúc động khi hình dung lại: “Mưa xối buốt những bàn tay máu ứa/Đất đỡ người ngã xuống hôm qua”.

Bài thơ từ mảng ký ức chiến tranh đã chuyển cảnh sang một bức tranh mới của Điện Biên hôm nay – một Điện Biên đang hồi sinh với bao sức sống mới, với "chảo lúa mượt mà” với "vòng xòe dìu dặt”.  Nếu năm ấy các chiến sĩ công binh đào đường ngầm đặt khối bộc phá nổ tung đồi A1, thì nay: “Đồi A1 đặt vào tôi câu hát/ Tôi hát cùng áo cóm, hoa ban” một gạch nối liên tưởng thật ý nghĩa nhân văn biết bao. Mạch thơ như mạch suối róc rách chảy tâm tình mà chứa chan, đằm thắm mà giao cảm, đồng vọng khi: “Điện Biên ạ, mai xa tôi nhớ lắm/Tôi hẹn về bên núi và em”. Và không chỉ “Điện Biên gọi tôi lên” mà chính nhà thơ đang về với Điện Biên, với bao đồng đội, với người con gái Thái khăn piêu, áo cóm đẹp như đóa hoa ban Tây Bắc.

HÀ HUY