Nhiều luận án tiến sĩ được "nhân bản"
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:10, 08/05/2022
Nhiều luận án tiến sĩ được "nhân bản" với các đề tài na ná nhau đang khiến dư luận dậy sóng những ngày qua.
Kiểm duyệt, thẩm định đề tài "có vấn đề"
Sau luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh, nhiều người lại nhắc đến luận án tiến sĩ cấp viện với đề tài "Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam" của NCS Ngô Thịnh Hường.
Đề tài trên được NCS Ngô Thịnh Hường bảo vệ thành công tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao ngày 16.3.2022. Một chuyên gia sau khi đọc luận án này đã thốt lên: "Quá dễ với 2 bước để trở thành tiến sĩ giáo dục học. Một, chọn một trang tin điện tử. Hai, nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin đó…".
Một loạt luận án về tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương cũng được chỉ ra. Sự na ná về đề tài, chỉ thay tên tỉnh, huyện... khiến các chuyên gia đặt câu hỏi đây là luận án tiến sĩ hay báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương?
Hàng loạt đề tài luận án tiến sĩ na ná nhau
Trong danh sách này, có thể kể đến: "Chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015", "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010", "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012", "Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012", "Chuyển biến kinh tế - xã hội huyện Từ Liêm, TP Hà Nội dưới tác động của quá trình đô thị hóa từ năm 1996 đến năm 2013", "Quá trình đô thị hóa ở quận 2, TP Hồ Chí Minh từ năm 1997 đến 2015", "Quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Sơn La (1998-2015)", "Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội từ năm 1993 đến năm 2014"…
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay ông đã tìm đọc nhiều luận án tiến sĩ, phát hiện không ít đề tài giống nhau không chỉ ở tên gọi mà hướng xác định vấn đề cũng không phù hợp. Nhiều luận án có dấu hiệu đạo văn, đề tài na ná nhau cho thấy khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài "có vấn đề".
"Một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó tính mới, tính độc lập là quan trọng nhất. Cái mới phải mang tính phát hiện, không phải trước đây làm đề tài này ở tỉnh A nay chuyển sang tỉnh B. Không ít luận án chưa đưa ra phương pháp nghiên cứu rõ ràng, các giải pháp chưa gắn liền với nguyên nhân của vấn đề, mới chỉ dừng lại ở mức độ phân tích rồi để đó. Giữa giải pháp và thực trạng, cách tư duy của luận án chưa ăn nhập với nhau. Xã hội phát triển yêu cầu phải có những tiến sĩ thật, người học thật, người thầy hướng dẫn cũng phải thật. Nếu cứ dễ dãi, nhắm mắt cho qua thì nền học thuật của Việt Nam không thể phát triển được" - ông Vinh nhấn mạnh.
Không hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng
Cũng chung quan điểm này, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, nhận xét nhiều đề tài tiến sĩ có tên gọi na ná nhau, nội dung viết "giống nhân bản như cừu Dolly".
Ông Hiệp cho hay phần lớn đề tài khiến dư luận băn khoăn đều thuộc nhóm ngành khoa học xã hội, cần phải xem xét lại các hội đồng chấm luận án tiến sĩ tại những cơ sở đào tạo này. Theo quy định, các hội đồng này phải yêu cầu NCS trả lời được tính mới của vấn đề, đã có những đề tài nào nghiên cứu liên quan? Nếu các hội đồng bỏ qua khâu này sẽ dẫn đến tình trạng hàng loạt luận án giống như khuôn đúc.
TS Phạm Hiệp cho rằng đào tạo tiến sĩ phải cân đối về số lượng và chất lượng, không thể hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng. "Nếu chúng ta chưa đủ điều kiện để đào tạo tiến sĩ ở một số ngành thì có thể tạm dừng đào tạo trong nước một thời gian, cử người đi học ở nước ngoài. Nếu không, chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm sau kém hơn sản phẩm trước. Thầy kém tạo ra trò kém, càng ngày càng đi xuống và có lỗi dần. Việc này sẽ ảnh hưởng ngược lại đến chất lượng đào tạo đại học vì không ít tiến sĩ là giảng viên" - ông lo ngại.
Theo TS Phạm Hiệp, tình trạng "loạn" tiến sĩ đã được dư luận đề cập trước năm 2017, trước khi Thông tư 08 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành. Các luận án tiến sĩ được điểm tên thời gian qua phần lớn đều thuộc các khóa tuyển sinh trước khi có Thông tư 08. Tuy nhiên, với những quy định mới ở Thông tư 18 - thay thế Thông tư 08, không ít người lo lắng việc đào tạo tiến sĩ lại quay về tình trạng "nhân bản" như trước đây.
"Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách phải chọn lựa. Chúng ta cần có những tiến sĩ ra trường trình độ thật, hội nhập quốc tế được chứ không phải là những tiến sĩ "giấy" như vừa qua" - TS Phạm Hiệp bày tỏ.
Tại sao vẫn được thông qua?
Một phó giáo sư của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận nhiều luận án tiến sĩ mà chỉ đọc tên đề tài đã khiến người ta phải đặt câu hỏi tại sao vẫn được thông qua. Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở NCS mà là người hướng dẫn và cơ sở đào tạo. Rõ ràng, để đề tài nghiên cứu được thông qua thì phải được sự đồng ý của người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ. Do vậy, khâu đào tạo đang gặp vấn đề.
Theo Người lao động